TOKENOMICS – MÔ HÌNH KINH TẾ HỌC CỦA TOKEN (P2)

Trong phần 1, chúng ta đã có những bước tiến quan trọng để hiểu được tổng quan về khái niệm tokenomics là gì và cách thức hoạt động của nó. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã được giới thiệu một số yếu tố cơ bản và dễ nắm bắt nhất khi nói về mô hình tokenomics của một token. Trong phần 2 này chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về giá trị nội tại của chính token trong mô hình tokenomics của nó, để từ đó chúng ta có cơ sở định hình các yếu tố quan trọng nào là động lực chính thúc đẩy tính hữu dụng của token trong phạm vi hệ sinh thái của chúng hay còn gọi là token incentives (động lực khuyến khích sử dụng của token).

Các Lớp Tương Tác Trong Một Tổng Thể Cấu Trúc Blockchain Mà Token Có Thể Hoạt Động Trên Đó.

Hầu hết các ứng dụng phi tập trung được xây dựng bên trên một nền tảng blockchain đều ở lớp tương tác thấp nhất là lớp ứng dụng (application). Thông thường lớp có tương tác đa dạng nhất chính là lớp ứng dụng này vì nó liên quan rất lớn tới người dùng cuối. Còn 4 lớp còn lại mà chúng ta thấy chính là các lớp phía sau thuộc về cơ cấu của một blockchain.

  • Lớp đồng thuận (Consensus): mô tả định dạng của một mạng blockchain công khai (public blockchain) và có một cơ chế đồng thuận mà bất kỳ ai đáp ứng được các tiêu chuẩn chung được quy định của mạng blockchain đó cũng có thể tham gia vào để thực hiện xác định chuỗi blockchain nào trong số nhiều chuỗi ứng cử viên là chuỗi blockchain chính được đồng thuận chung. Hay nói cách khác là xác định khối nào là khối mới hợp lệ tiếp theo được thêm vào chuỗi blockchain hoặc thực hiện các thay đổi đối với blockchain.
  • Lớp khai thác (Mining): là một giao thức khuyến khích các bên duy trì sự đồng thuận, thêm các khối mới vào chuỗi blockchain và nhận về các token mới được sinh ra trong quá trình đồng thuận thông qua một thuật toán đồng thuận đặc thù của riêng blockchain đó.
  • Lớp tuyên truyền (Propagation): là một giao thức xác định cách thức sổ cái blockchain và các khối được truyền giữa các node trong mạng.
  • Lớp nội dung ngữ nghĩa học (Semantic): là một đặc điểm kỹ thuật về cách các khối mới phải liên quan đến các khối trước đó và một giao thức để xác minh sự phù hợp với đặc điểm kỹ thuật đó. Hay nói cách khác là nó mô tả cách thức truyền tải các tài sản crypto tới các node khác nhau.
  • Lớp ứng dụng (Application): là các bộ mã code được lập trình trên một nền tảng blockchain nhằm thực hiện một số chức năng mong muốn cho người dùng cuối.

Một khi, chúng ta đã tìm ra lớp tương tác nào mà dự án được chúng ta xem xét đang hoạt động tại đó, sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn tốt hơn để hiểu rõ những hành vi nào cần được khuyến khích. Điều này có tác động trực tiếp đến yếu tố token incentives của token.

Types Of Token – Các Loại Token

Token Layer 1 & token Layer 2 – token lớp 1 & token lớp 2

  • Layer 1 (lớp 1) là lớp blockchain nền tảng chính, nên những loại dự án nào cung cấp giải pháp trực tiếp tác động vào chính blockchain nền tảng nhằm cải thiện chất lượng và hiệu suất của nền tảng blockchain đó thì được xem là một giải pháp Layer 1 và thường những thay đổi này có đặc trưng phải sinh ra một hard-fork. Ví dụ như giải pháp “Sharding (phân mảng)” nhằm chia mạng blockchain chính của Ethereum thành nhiều mảng nhỏ để gia tăng tốc độ và khả năng mở rộng cho blockchain Ethereum.
  • Layer 2 (lớp 2) là những giải pháp được xây dựng bên trên (on top) nền tảng blockchain chính, chúng không yêu cầu phải thay đổi cấu trúc cơ sở của giao thức blockchain chính, đơn giản chúng tồn tại như các hợp đồng thông minh (smart-contract) trên chuỗi chính và chúng thường được biết đến với cái tên chung là các giải pháp ngoài chuỗi (off-chain). Các giải pháp Layer 2 liên quan tới hệ thống được xây dựng bên trên Layer 1. Ví dụ như các DApp được xây dựng trên blockchain Ethereum hay giải pháp Plasma là một kĩ thuật giao dịch ngoài chuỗi bằng một side-chain có liên hệ mật thiết với blockchain Ethereum bằng các hợp đồng thông minh nhằm tăng cường tốc độ xử lý giao dịch của chuỗi chính Ethereum.

Chúng ta có thể thấy chất lượng của các giải pháp ở Layer 2 (lớp ứng dụng) hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng tổng thể của Layer 1 (lớp nền tảng). Nếu có bất kỳ vấn đề xấu nào xảy ra với hệ thống blockchain Layer 1 như bị tấn công hay gặp một số lỗi lập trình thì ngay lập tức sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng của Layer 2. Hiện nay đang có một số dự án đang nghiên cứu và thực hiện các giải pháp cross-chain (giao tiếp chéo chuỗi) để giải quyết vấn đề này, để các ứng dụng Layer 2 sẽ ít phụ thuộc vào các blockchain nền tảng Layer 1 nhất có thể, điều đó không có nghĩa rằng chúng ta có thể bác bỏ mối liên kết giữa Layer 1 và Layer 2 một cách hoàn toàn. Ngược lại, nếu một ứng dụng Layer 2 có hoạt động tốt thì nó phản ánh tích cực cho Layer 1 thế nên việc giúp đỡ nâng cao chất lượng của các ứng dụng Layer 2 sẽ làm cho giá trị của blockchain Layer 1 được gia tăng mạnh mẽ.

Utility token & security token – Token tiện ích & token chứng khoán.

  • Token tiện ích (utility token) là token cung cấp cho người chủ sở hữu token quyền sử dụng các tính năng, dịch vụ trong mạng lưới (network). Quyền khai thác mạng lưới đó bằng phương thức bỏ phiếu thông qua số lượng token mà người đó đang nắm giữ. Chúng có giới hạn tối đa về tổng lượng cung trong thực tế nên giá cả và giá trị của chúng có thể tăng hay giảm dựa vào mức độ cung cầu của thị trường.
  • Token chứng khoán (security token) cũng là một loại token được phát hành để gây quỹ cho các công ty khởi nghiệp tương tự token tiện ích. Nhưng token chứng khoán còn được mô tả là một dạng IOU (I owe You – tôi nợ bạn) được đảm bảo bằng tài sản của công ty và chịu sự ràng buộc từ những quy định pháp lý khắt khe của các cơ quan chính phủ có thẩm quyền dành cho tài sản được xem là chứng khoán. Các token chứng khoán này có thể được xem là một hợp đồng đầu tư ràng buộc pháp lý cho phép nhà đầu tư tiếp cận cổ phần của công ty, cổ tức hàng tháng hoặc có một phần quyền tham gia trong quá trình ra quyết định kinh doanh của công ty.

Trong khi những người mua và sở hữu token tiện ích không nhận được bất kỳ quyền hoặc cổ phần nào từ công ty mà họ đầu tư, thì các nhà đầu tư nắm giữ token chứng khoán có nhiều quyền hơn và có thể sở hữu cổ phần của doanh nghiệp, chúng ta cần lưu ý phân biệt được quyền sử dụng các tính năng trong mạng lưới blockchain và quyền sở hữu doanh nghiệp tạo nên mạng lưới blockchain đó là 2 quyền khác nhau hoàn toàn. Tóm lại, sự khác biệt cơ bản nhất giữa token tiện ích và token chứng khoán là người sở hữu token chứng khoán nắm trong tay quyền sở hữu tài sản của công ty, trong khi đó người sở hữu token tiện ích thì không và họ chỉ có quyền được sử dụng các sản phẩm dịch vụ mà công ty cung cấp.

Fungible & non-Fungible – Có thể thay thế & không thể thay thế

  • Fungibility (khả năng có thể thay thế) là khả năng trao đổi của một loại hàng hóa hay một loại tài sản với một loại đơn vị hàng hóa hay một loại đơn vị tài sản khác cùng loại. Ví dụ, Nếu bạn mượn một tờ 100 USD từ bạn của mình, thì sau đó bạn có thể trả lại bằng một tờ 100 USD khác, hoặc bạn có thể hoàn trả thay thế bằng 2 tờ 50 USD hay 10 tờ 10 USD hoặc thậm chí là 100 tờ 1 USD. Bởi vì chúng đều là các đồng USD đơn vị có thể thay thế lẫn nhau.
  • Non-Fungibility (không có khả năng thay thế) thì ngược lại với Fungibility (khả năng có thể thay thế). Ví dụ, nếu bạn mượn một bức tranh phong cảnh của một người bạn để treo trong một sự kiện của cá nhân trong vài ngày, sau đó bạn không thể nào hoàn trả lại cho bạn của mình bằng một bức tranh phong cảnh khác hoặc là thay vì trả lại bức tranh nguyên vẹn, bạn đem trả lại 10 mảnh nhỏ của bức tranh phong cảnh đó.

Không giống như tiền tệ, các loại vật liệu sưu tập thì không có khả năng thay thế. Nên tiền tệ đạt được nhiều giá trị hơn nhờ khả năng có thể thay thế của nó. Một loại tiền tệ càng có được sự quan tâm và chấp nhận rộng rãi thì giá trị nhận biết (perceived value) của chúng sẽ càng tăng lên mạnh mẽ. Vì vậy nếu tính năng thanh toán là một trong những tiện ích chính của loại token mà bạn quan tâm thì phải đặc biệt xem xét xem liệu token đó có khả năng có thể thay thế (Fungibility) hay không. Còn đối với các loại tài sản mang tính chất thu thập hay sưu tập thì không có khả năng thay tế (non-Fungibility) là một tính năng đáng có hàng đầu. Ví dụ như token trong trò chơi CryptoKitties (nuôi mèo ảo) đình đám được xây dựng trên mạng blockchain Ethereum là một token không có khả năng thay thế (non-Fungibility token) vì token của loại trò chơi này có được giá trị do tính chất độc nhất của mình mang lại.

Work token – Token công việc

Token LPT (Livepeer) là một work token (token công việc), nghĩa là một người dùng trong mạng Livepeer phải đặt cược một lượng token LPT của mình để kiếm quyền thực hiện công việc tiếp theo cho mạng lưới, xác suất mà một nhà cung cấp dịch vụ nhất định được trao cho công việc tiếp theo tỷ lệ thuận với số lượng mã thông báo mà họ đặt cược (stake). Cái hay của mô hình work token là loại bỏ các nhà đầu cơ ra khỏi hệ thống, việc sử dụng mạng tăng lên sẽ gây ra sự tăng giá của token. Khi nhu cầu về dịch vụ tăng lên, nhiều doanh thu sẽ được chuyển đến các nhà cung cấp dịch vụ. Với một nguồn cung token cố định, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ chấp nhận trả giá cao hơn cho mỗi token để có quyền kiếm được một phần của dòng tiền đang phát triển.

Hầu hết các hệ thống work token thực thi một số loại cơ chế để xử phạt những người có quyền cung cấp dịch vụ nhưng không thực hiện công việc của họ theo một số tiêu chuẩn được chỉ định trước. Ví dụ: trong Filecoin, các nhà cung cấp dịch vụ cam kết hợp đồng lưu trữ một số dữ liệu trong một khoảng thời gian. Trong thời hạn của hợp đồng, các nhà cung cấp dịch vụ phải khóa một số lượng Filecoin và tệp tin (file) phải có sẵn 24/7 với một số đảm bảo băng thông tối thiểu. Nếu nhà cung cấp dịch vụ không tuân thủ tiêu chuẩn này, họ sẽ tự động bị phạt bởi giao thức và một số token được đặt cược của họ sẽ bị lấy đi. Filecoin (FIL), sử dụng mô hình “token như một loại tiền tệ trao đổi”, điều này có nghĩa là đồng token FIL sẽ có tốc lực trao đổi (velocity) cao. Tuy nhiên, tốc lực trao đổi của đồng token FIL sẽ bị giới hạn vì các nhà cung cấp lưu trữ trong mạng Filecoin phải gửi đi một lượng token FIL nhất định trước khi thực hiện công việc lưu trữ tệp tin (file) được yêu cầu từ người dùng.

Mặt khác, nếu một dự án sử dụng token tiện ích (utility token) như một quyền để thực hiện công việc thay mặt cho mạng lưới hay nói cách khác là sử dụng chúng như một work token, thì nó trở nên có giá trị hơn ở một dòng tiền có đa dạng các hoạt động trong đó mà hệ thống tạo ra thay vì token chỉ có giá trị ở một hoạt động duy nhất là doanh thu được trả cho các nhà cung cấp dịch vụ. Hơn thế nữa, trong mô hình work token, khi mạng lưới phát triển và trở nên lớn mạnh, nghĩa là ngày càng có nhiều người dùng và nhà cung cấp dịch vụ tham gia vào mạng lưới hơn, nó sẽ làm giảm rủi ro, giảm chi phí sử dụng cho người dùng do sự cạnh tranh gia tăng giữa các nhà cung cấp dịch vụ (các node vận hành mạng lưới) và cuối cùng là tăng giá trị đầu cuối cho hệ thống (điều này thực sự ngụ ý rằng tổng giá trị của token sẽ tăng một cách siêu tuyến tính so với sự tăng lên của thông lượng giao dịch) .

Mô hình work token chỉ hoạt động nếu dịch vụ được cung cấp là hàng hóa thuần túy. Nếu các nhà cung cấp cạnh tranh trên các biến số khác, chẳng hạn như tiếp thị, dịch vụ khách hàng, chiến lược tiếp cận thị trường, v.v. thì mô hình work token không còn ý nghĩa nữa. Mô hình work token được xác định dựa trên việc “giao việc mới” cho các nhà cung cấp dịch vụ căn cứ trên lượng totken được đặt cược (stake) của họ. Điều này không có hiệu lực đối với các nhà cung cấp dịch vụ là những người phải tích cực cạnh tranh vì khách hàng theo các biến số khác ngoài biến số lượng token đặt cược của họ.

Burn-and-mint equilibrium model – Mô hình cân bằng giữa đốt và đúc

Một số giao thức đã triển khai cơ chế đốt (mà không đúc), đặc biệt là FunFair. Điều này gây hoài nghi về các loại token được giảm phát một cách rõ ràng để tạo áp lực tăng giá lên giá trị của token. Về lâu dài, các loại token giảm phát sẽ tạo ra những ưu đãi khác lạ cho người nắm giữ chúng, gây ra biến động không cần thiết do đầu cơ quá mức. Và mô hình burn-and-mint equilibrium sẽ giúp giải quyết vấn đề này.

Factom (FCT) là một ví dụ tốt nhất cho mô hình này. Factom đang cung cấp một dịch vụ hàng hóa (dịch vụ lưu trữ dữ liệu trên blockchain dành cho doanh nghiệp) có thể được triển khai như một mô hình work token, tuy nhiên, họ đã tiên phong chọn triển khai mô hình burn-and-mint equilibrium thay thế. Trong Factom, chi phí sử dụng giao thức được tính bằng USD ở mức 0,001 USD. Mỗi lần sử dụng là $ 0,001 USD, bất kể giá của FCT đang là bao nhiêu bên ngoài thị trường giao dịch. Người dùng phải thực hiện đốt token FCT của mình để có quyền sử dụng giao thức như thiết kế, hình thức này khá khác biệt so với một mô hình cung cấp dịch vụ thông thường, nơi người dùng muốn sử dụng dịch vụ thì họ phải trả tiền trực tiếp cho nhà cung cấp nhưng trong Factom người dùng lại phải thực hiện đốt (burn) đi token FCT để được quyền sử dụng dịch vụ hay nói cách khác là họ công khai thừa nhận trên chuỗi (on-chain) rằng nhà cung cấp dịch vụ đã làm việc vì token đã bị đốt.

Một cách độc lập, giao thức của Factom sẽ đúc (mint) thêm 73 000 token FCT mới mỗi tháng và phân phối chúng cho các node thực hiện công việc xác nhận giao dịch. Nếu người dùng không đốt (burn) được 73 000 token FCT trong một tháng, nguồn cung sẽ tăng, điều này sẽ gây áp lực giảm giá. Ngược lại, nếu người dùng đốt hơn 73 000 mã thông báo mỗi tháng, nguồn cung sẽ giảm, gây áp lực tăng giá. Về lâu dài, cần có mối quan hệ tuyến tính giữa việc sử dụng giao thức và giá cả. Động lực đốt và đúc (burn-and-mint) là có thể thực hiện được bởi vì Factom là một dự án hoạt động độc lập trên blockchain của riêng nó. Mô hình burn-and-mint equilibrium có thể sử dụng cho các token ERC20 nói riêng và các token trên các nền tảng blockchain khác nói chung, mặc dù sẽ phức tạp hơn. Giống như mô hình work token, mô hình burn-and-mint equilibrium tạo ra một mô hình trong đó tăng trưởng tỉ lệ thuận với việc sử dụng mạng gây ra sự tăng trưởng tuyến tính, không đầu cơ trong giá trị của token.

1/5 - (1 bình chọn)

Latest stories

- Advertisement - spot_img

You might also like...