INTERNET OF VALUES

Theo Ripple, Internet of Value là thuật ngữ chỉ việc lưu chuyển giá trị trực tiếp được thực hiện ngay lập tức, gần như là trong thời gian thực (real time) mà không có hoặc không cần phải thông qua một bên trung gian thứ ba để thực hiện, và giá trị ở đây được hiểu là tiền bạc, quyền sở hữu trí tuệ hoặc chứng khóan .v.v. Điều này có nghĩa là mọi thứ thật sự có giá trị đều có thể được chuyển phát (transfer) qua Internet trong tương lai. Sự phát triển này được thúc đẩy bởi sự thích ứng trên toàn cầu của công nghệ blockchain trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau nhất là đối với lĩnh vực Fintech (Công Nghệ Tài Chính).

Hầu hết chúng ta đều có thể hiểu được Internet là gì và thậm chí cho dù chúng ta không hề biết Internet được cấu tạo như thế nào thì chúng ta vẫn có thể biết được cách sử dụng cũng như những lợi ích ưu việt mà nó mang đến cho cuộc sống. Tuy nhiên, cái mà chúng ta cần quan tâm nhất chính là khái niệm về Giá Trị (Values), vậy Giá Trị (Values) là gì?

Về mặt sở hữu, giá trị là thứ mà một khi được trao đi sẽ không còn có quyền sở hữu hay quyết định chi phối đối với đơn vị giá trị đó nữa, tuy nhiên vẫn có thể tái tạo để làm ra một đơn vị giá trị mới tương đương thông qua việc tạo ra sản phẩm chứa giá trị đó. Ví dụ như bạn dùng 5$ để mua một cái bánh mì thì sau khi giao dịch xảy ra, giá trị của 5$ đó sẽ không còn thuộc quyền sở hữu hay quyết định chi phối của bạn nữa và ngược lại giá trị của cái bánh mì cũng không còn thuộc quyền sở hữu hay quyết định chi phối của người bán bánh. Tuy nhiên bạn vẫn có thể kiếm ra 5$ mới và người bán bánh vẫn có thể làm ra một cái bánh mì mới tương tự cái mà họ đã bán cho bạn.

Đối với sản phẩm vô hình như một bản nhạc thì việc một người nghe trả tiền hoặc token để được nghe bản nhạc đó trên một ứng dụng nghe nhạc (chỉ được nghe mà không sở hữu) là một quá trình trao chuyển giá trị. Người nghe được thưởng thức giá trị nghệ thuật của bản nhạc, người nhạc sĩ không thể thu hồi lại giá trị nghệ thuật này vì nó đã được tiêu thụ bởi chính người nghe. Chúng ta cần lưu ý phân biệt rõ khái niệm giá trị của bản nhạc chứ bản nhạc không phải là giá trị mà bản nhạc là sản phẩm có chứa hoặc tạo ra giá trị. Trường hợp, một nhạc sĩ sao chép thành nhiều bản copy từ file nhạc gốc của mình, rồi bán các bản copy này tới nhiều người nghe cùng lúc bằng hình thức cho phép người nghe trả tiền để tải bản nhạc về thiết bị cá nhân của họ và lưu ý rằng cho dù người nhạc sĩ vẫn có quyền vô hiệu hóa các bản copy đó hoặc các bản copy đó có thể được người nghe sao chép lại rồi chuyển đồng thời đến một số người nghe khác tiếp theo (có thể là bạn bè của họ) thì trong suốt quá trình này giá trị thưởng thức của bản nhạc vẫn được trao chuyển, nhưng giá trị bản quyền (quyền sở hữu) của bản nhạc vẫn không được hoặc chưa được trao chuyển, nó vẫn thuộc về sở hữu của người nhạc sĩ. Vì vậy chúng ta có thể thấy được rõ ràng sự khác nhau về mặt quyền sở hữu giữa giá trị và sản phẩm chứa giá trị, khi nhắc đến giá trị nghĩa là luôn luôn nói đến cái cảm nhận vô hình.

Giá trị là bất cứ điều gì cho dù nó tồn tại dưới dạng một cảm nhận có ý nghĩa đạo đức xã hội (tinh thần) hoặc một cảm nhận có ý nghĩa vật chất. Sự phân loại rõ ràng này cho thấy mỗi giá trị riêng biệt phải có một đặc điểm bán hàng khác biệt độc nhất (USP – Unique Selling Point) để có thể xác định và nắm bắt được chúng. Chỉ thông qua điềm bán hàng khác biệt độc nhất (USP – Unique Selling Point) này mà một thứ nào đó có một giá trị được gắn vào nó và giá trị này có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với giá trị của một thứ khác. Ví dụ như trong bối cảnh thông thường thì một ly cà phê thì ít giá trị hơn một cái laptop và nhiều giá trị hơn một cái kẹp giấy. Các đối tượng có thể được định giá khác nhau bằng cách gắn vào chúng các giá trị riêng tùy thuộc vào bản chất và bối cảnh của hàng hóa đang được xem xét.

USP của giá trị là điều kiện cần thiết cho việc định lượng của mọi thứ. Nếu giá trị không thể hiện được USP thì nó sẽ không thể diễn tả được một số lượng có tính toán học hoặc tính vật lý. Đặc biệt là đối với các lĩnh vực kinh tế, sẽ không có được kết quả rõ ràng nếu một thương nhân không thể xác định số lượng hàng hóa đã bán ra tương ứng với số tiền bao nhiêu cần phải thu về. Việc không thể tính toán được thu nhập của mình cần đạt được là bao nhiêu cũng sẽ dẫn đến việc không thể tính được số lượng hàng hóa cần bán ra để đáp ứng đủ yêu cầu chi phí trang trải cho cuộc sống và tiếp tục công việc kinh doanh. Việc không thể tính toán định lượng được gần như là một trò cờ bạc may rủi chứ không phải là công việc kinh doanh hay đầu tư.

Giá trị giúp định lượng số lượng để làm cho chúng có thể đo lường được. Số lượng được định lượng và đo lường cung cấp một định hướng và có thể đặt ra một nền tảng cơ sở cho những hành động trong tương lai. Điều này không chỉ áp dụng cho các giá trị có tính kinh tế mà còn áp dụng cho các giá trị đạo đức xã hội (tinh thần). Bản chất cơ bản của việc định giá của bất cứ thứ gì, từ vô hình cho tới hữu hình, là để phân biệt các giá trị khác nhau từ đó làm nổi bật lên các giá trị riêng biệt. Việc định lượng giúp cho chúng ta dễ dàng nắm bắt được tình trạng thực tế và dễ dàng đưa ra các quyết định hành động hơn.

Một đặc điểm nữa về ý nghĩa của khái niệm Giá Trị (Values) sẽ trở nên rõ ràng hơn khi chúng xảy ra trong bối cảnh thiếu thốn. Đặc điểm này trở nên rõ ràng trong các trường hợp khan hiếm xảy ra (cầu vượt quá cung) đối với các mặt hàng thiết yếu của cuộc sống như lương thực, năng lượng, nước sạch sinh hoạt .v.v. hoặc sự cần thiết khẩn cấp của một mặt hàng/dịch vụ nào đó tại một thời điểm nhất định, như sự thiếu hụt phòng khách sạn cho thuê ở các khu nghỉ dưỡng du lịch mỗi mùa lễ hội hay các giai đoạn cao điểm của các kỳ nghỉ. Một ví dụ khác là đối với các tài nguyên quý hiếm, có giới hạn và cần có công sức để khai thác như vàng, bạc, kim cương, dầu thô hoặc đá quý. Mặt khác, không khí là dồi dào nhưng hầu như giá trị của nó không thể hiện qua giá cả, không có định lượng để định giá, cho dù toàn bộ hành tinh này không thể sống thiếu nó và bởi vì không khí là luôn sẵn có mà không cần những nỗ lực để tạo ra chúng. Tóm lại các giá trị (value) thường có một USP để phân biệt chúng với các giá trị khác và thường được định lượng. Và tính chất thiếu thốn (chênh lệch cung cầu) sẽ làm cho sự tương quan giữa các giá trị càng trở nên nổi bật hơn.

Instrinsic Value and Extrinsic Value (Giá trị nội tại và Giá trị ngoại vi)

Một trong những khía cạnh của nền kinh tế mới dựa trên dạng thức của mạng lưới kỹ thuật số như blockchain đã khiến chúng ta phải tái nhận thức các nền tảng của kinh tế học. Nghĩa là chúng ta phải xem xét lại các quan điểm cũng như những tư duy về vấn đề Giá Trị, với các mô hình kinh tế token (token economics) chúng ta phải khám phá lại xem Giá Trị thực sự là gì? Cách chúng ta định lượng và trao đổi chúng như thế nào? Sự khác biệt giữa giá trị nội tại (Instrinsic Value) và giá trị ngoại vi (Extrinsic Value) sẽ có ảnh hưởng thế nào tới giá trị tổng thể của token? Hệ thống kinh tế phát triển trong suốt thời kỳ kinh tế hiện đại đã được dựa trên các tiện ích (utility) như một thước đo cho giá trị ngoại vi hay còn gọi là giá trị phái sinh.

Mọi thứ vừa có thể có giá trị cho bản thân nó lẫn có thể là phương tiện cho các mục đích khác. Ví dụ, một cái cây có một số giá trị khác nhau cho chính nó và cho vài trò của nó trong hệ sinh thái tự nhiên tổng thể nhưng nó cũng có giá trị như một phương tiện dùng sử dụng như vật liệu để đóng bàn ghế. Dạng giá trị đầu tiên chúng ta gọi là giá trị nội tại (Instrinsic Value) và dạng giá trị thứ hai dưới hình thức một tiện ích (utility) chúng ta gọi là giá trị ngoại vi (Extrinsic Value).

Đặc trưng của giá trị nội tại (Extrinsic Value) ở một vật là những gì có sẵn trong bản chất của nó hay giá trị chỉ dành riêng cho lợi ích của chính nó. Giá trị nội tại không phải là vật chất, nó không tồn tại giống như một đối tượng vật lý, nó chính là thuộc tính của một đối tượng. Mặc dù giá trị nói chung được tạo ra thông qua thái độ hoặc phán đoán của người đánh giá. Các phán quyết và quyết định về mặt tinh thần hay phẩm chất là một phần quan trọng trong giá trị. Tuy nhiên, giá trị nội tại thực sự bỏ qua các đánh giá logic của chúng ta. Nếu một thứ gì đó có giá trị nội tại nghĩa là nó có các thuộc tính hoặc các đặc điểm về mặt phẩm chất có giá trị trong tự thân nó và tách biệt hoàn toàn với thái độ hay phán xét của bất kỳ ai. Giá trị nội tại (Extrinsic Value) không phải là những gì mà các nhà đầu tư thường sẵn sàng chấp nhận trả giá cho nó, tuy nhiên chúng thực sự là giá trị đáng giá của một đối tượng.

Ví dụ, hầu hết chúng ta đều biết rằng việc có nhiều mối quan hệ bạn bè trong xã hội là một giá trị quan trọng nhất định. Giá trị này là giá trị của vốn xã hội (social capital), nó khác hoàn toàn với giá trị của vốn tài chính (financial capital). Bởi vì tiền bạc là thước đo của các tiện ích (utility), giả sử như một người bạn có kỹ năng Photoshop giúp chúng ta thực hiện việc chỉnh sửa một bức ảnh với giá 5$ (đây là một tiện ích của người bạn) khác biệt rất nhiều khi so sánh với giá trị “tình bạn” giữa chúng ta và người bạn đó – ở đây “tình bạn” được xem là một dạng giá trị nội tại (Instrinsic Value). Mặc dù hệ thống tiền tệ truyền thống của chúng ta không nắm bắt được các hình thức vốn xã hội (social capital) như vậy nhưng nền kinh tế token sẽ cho phép chúng ta có thể thực hiện được điều này. Ví dụ, số lượng Like trên mạng xã hội Facebook của một cá nhân có thể được token hóa và được xem là một dạng token đại diện cho vốn xã hội (social capital) của người đó.

Kinh tế thị trường hiện đại mà chúng ta đang có đã cấu trúc giá trị như một tiện ích (utility), nói cách khác tiện ích là giá trị mà một thứ gì đó mang lại cho một số nhóm người theo từng mục đích cụ thể khác nhau. Tiện ích (utility) hàm ý rằng nó có một tính hữu dụng chung và có thể sử dụng tức thời (immediate usefulness) mà mọi người sẵn sàng trả tiền để thụ hưởng. Tiện ích (utility) là đại diện cho giá trị ngoại vi (Extrinsic Value). Tiện ích (utility) có tính phương tiện, nó giống như một công cụ, chúng ta sử dụng nó bởi vì nó có thể giúp ta đạt được mục đích hay nhu cầu của mình chứ chúng ta không quan tâm tới hệ thống cấu trúc của chính nó, như việc chúng ta đói thì chúng ta trả tiền mua một cái bánh mì để ăn ngay (immediate usefulness) mà không phải quan tâm đến các giá trị khác trong cấu tạo hay trong quá trình làm ra chiếc bánh mì đó gồm những gì. Do vậy chúng ta có thể đo lường giá trị của một thứ nào đó bằng cách dựa vào cán cân cung cầu để xác định một mức giá cả cụ thể tương xứng.

Ngược lại với tiện tích (đại diện cho giá trị ngoại vi) là giá trị nội tại (Instrinsic Value). Giá trị nội tại là giá trị mà một thứ gì đó đóng góp vào sự duy trì và chức năng hoạt động của toàn bộ hệ thống. Với giá trị nội tại (Instrinsic Value) chúng ta có một đơn vị đánh giá chức năng của toàn bộ mạng lưới. Ví dụ, một khu rừng ngập mặn (rừng cây đước) ở vùng bãi triều ven biển, nó giúp bảo tồn một hệ sinh thái bản địa và ngăn chặn xâm thực bờ biển là một dạng giá trị nội tại (Instrinsic Value). Nhưng lưu ý rằng, khi chúng ta chặt đi khu rừng ngập mặn (rừng cây đước) để sản xuất than đước làm nhiên liệu đốt cung cấp ra thị trường như một tiện ích (utility) thì lúc này rừng cây đước bị chặt phá đã đánh mất đi giá trị nội tại (Instrinsic Value) của nó trong việc duy trì tính toàn vẹn về mặt chức năng của hệ sinh thái đó.

Chúng ta có thể thấy tiện ích (utility) có tính phái sinh hay tiện ích là giá trị phái sinh của một thứ gì đó nghĩa là tùy theo mục đích hay nhu cầu mà một vật được chuyển hóa cho phù hợp, như ví dụ rừng đước bên trên nếu dùng làm nhiên liệu thì chuyển hóa nó thành than, nhưng nếu dùng nó làm vật liệu thì chuyển hóa nó thành gỗ để đóng đồ gia dụng hoặc tạo thành chất phụ gia cho ngành công nghiệp thuộc da, công nghệ in .v.v. Và chúng ta định giá những tiện ích này bằng đơn vị tiền tệ (currency). Trong khi đó, giá trị nội tại (Instrinsic Value) là bản chất vốn có của một vật hay của một thứ nào đó đối với mạng lưới hoặc hệ thống, nó giống như một loại tài sản bất biến, phi thanh khoản (non-liquid), nghĩa là không thể được định giá chính xác bằng đơn vị tiền tệ mà chúng đang sử dụng (fiat currency – tiền pháp định) bởi vì giá trị bản chất của nó chính là giá trị bản chất của hệ thống và không thể dễ dàng chuyển đổi, cũng như giá trị bản chất của khu rừng đước đối với hệ sinh thái tự nhiên sẽ mất đi khi chúng bị chuyển hóa thành các tiện ích (utility) được định giá bởi đơn vị tiền tệ hiện tại.

Các loại tiền tệ truyền thống và hệ thống thị trường tự do chỉ cho phép chúng ta định lượng và trao đổi các tiện ích (utility). Chúng không thực hiện kế toán (tính toán và ghi chép) cho những giá trị có thể là bản chất vốn có của hệ thống – những yếu tố vô hình không phải là các tiện ích để có thể sử dụng tức thời cho bất kỳ một nhân tố nào. Nền kinh tế token là một sự tiến hóa tự nhiên từ nền kinh tế công nghiệp hiện tại của chúng ta, nó đáp ứng được việc nắm bắt toàn bộ các giá trị trong xã hội chứ không chỉ là các giá trị của tiện ích dựa trên các sản phẩm hữu hình cơ bản mà hệ thống kinh tế thị trường đang thực hiện. Rõ ràng nó là bước tiến cách mạng để chúng ta chuyển mình từ một nền kinh tế thương phẩm sang một nền kinh tế dịch vụ với một phổ giá trị rộng lớn và đầy đủ một cách toàn diện hơn.
Mô hình kinh tế truyền thống dựa trên các tiện ích (utility) chỉ cho chúng ta biết về sự trao đổi và tiêu thụ hàng hóa, nó không cho chúng ta biết được các giá trị về chất lượng của môi trường xã hội, văn hóa và tự nhiên mà các tiện ích hay hàng hóa này đã trải qua và tồn tại trong đó. Vì vậy, những người dùng cuối (end users) có thể đang sống trong một môi trường xã hội, văn hóa và tự nhiên bị xuống cấp nghiêm trọng, làm giảm chất lượng sống của họ. Trong khi đó nền kinh tế được đo bằng sự tăng trưởng của chỉ số GDP đã che khuất đi sự xuống cấp này và vẫn cho chúng ta thấy hệ thống đang hoạt động tối ưu dù sự thật không phải là như vậy.

Một nền kinh tế hậu công nghiệp phụ thuộc vào một mối liên hệ rộng lớn, phức tạp của các giá trị xã hội, văn hóa và môi trường để nó hoạt động hiệu quả toàn diện, đúng với bản chất của sự tiến bộ hơn. Con người bắt đầu phải chú ý tới các giá trị vốn xã hội, vốn văn hóa và vốn tự nhiên như một yếu tố quan trọng cốt lõi trong thành công của các tổ chức doanh nghiệp và nền kinh tế. Chúng ta sẽ ngày càng hướng tới một cuộc sống có chất lượng không chỉ được đo lường bằng chỉ số GDP mà còn bởi nhiều dạng giá trị liên quan khác. Đây là lý do tại sao nền kinh tế hậu công nghiệp là một nền kinh tế dịch vụ dựa trên mô hình kinh tế token bởi vì chỉ có các mạng lưới token mới có thể nắm bắt và kết hợp tất cả các hình thức giá trị khác nhau của vốn xã hội, vốn văn hóa, vốn tự nhiên và vốn tài chính cần thiết để cung cấp cho con người một cuộc sống có chất lượng thực sự.

Trong nền kinh tế công nghiệp tất cả các dạng giá trị đều bị thu về một chuẩn đo duy nhất của tiện ích, còn với nền kinh tế dịch vụ thông thường vốn dĩ đã là một nền kinh tế đa giá trị, như việc bạn trả tiền để nghỉ dưỡng ở một resort thì ngoài giá trị tiện ích là phòng nghỉ, các bữa ăn, hồ bơi thì nó còn thêm các giá trị khác như chất lượng phục vụ, cảm giác thoáng đẹp của địa điểm, không khí, quan cảnh .v.v. Trong khi giá trị ngoại vi (Extrinsic Value) có thể bị suy giảm dần theo thời gian, thì giá trị nội tại (Instrinsic Value) là các dạng giá trị mang tính bản chất vốn có, mà mỗi loại giá trị như vậy yêu cầu một loại token riêng biệt của chúng và loại giá trị này không thể bị suy giảm đi. Ví dụ, một cái bàn được đóng bằng cây đước thì qua thời gian sử dụng chức năng của nó sẽ dần mất đi do hư hỏng, nhưng một vai trò của rừng đước đối với hệ sinh thái bản địa ven biển sẽ không thể suy giảm qua thời gian.

Sự loại trừ giá trị nội tại (Instrinsic Value) khỏi hệ thống kinh tế đã tạo ra sự chia rẽ sâu sắc giữa thị trường (market) và các khu vực công (public sector). Thị trường trước đây bị giới hạn trong việc trao đổi, tiêu thụ các tiện ích / hàng hóa và phải phụ thuộc vào các tổ chức cộng đồng để điều chỉnh lại nguồn vốn tự nhiên và nguồn vốn xã hội. Trong tương lai, với nền kinh tế token và khả năng lập trình của token – để đưa các quy tắc được quy định vào bên trong chúng – sẽ cho phép mạng lưới có khả năng xác định loại hành động được hệ thống hỗ trợ hoặc không được hệ thống chấp nhận.

Ví dụ, chúng ta có thể lập trình ra một loại token A về các loại thuốc mà mạng lưới của nó không chấp nhận các sản phẩm có liên quan tới cần sa. Tuy nhiên, nếu có một loại token B có chức năng tương tự nhưng nó được lập trình để hệ thống chấp nhận cả các sản phẩm có chứa cần sa thì lúc này chúng ta sẽ khách quan thấy được mức độ chấp nhận của xã hội đối với vai trò của cần sa trong các sản phẩm dược liệu bằng cách xem xét sự khác biệt trong mức giá giao dịch của 2 loại token A và token B. Đây chính là cách thức mới mẻ để tích hợp các giá trị kinh tế với các giá trị xã hội sao cho việc này phản ánh đúng với thực tế cuộc sống. Không những thế token là công cụ để từng cá nhân thể hiện giá trị xã hội của mình (xem trọng vai trò của cần sa hay bài trừ cần sa) khi lựa chọn sử dụng loại token nào giữa 2 loại token A và token B. Hệ thống token đa giá trị này cho phép chúng ta mở rộng hệ thống kinh tế bằng cách có thể tùy biến để kết hợp nhiều loại hệ thống giá trị khác nhau lại với nhau hơn, do đó khai thác được động lực kinh tế của mỗi người ở góc độ đa chiều hơn chứ không chỉ đơn thuần là lợi ích dựa trên các tiện ích.

Generic Token

Token là một dạng đơn vị có cả tính bao quát chung (generic nature) lẫn tính thay thế (fungible), vì token có thể dùng để xác định bất cứ dạng giá trị nào và nó có thể trao đổi giữa các giá trị cụ thể khác nhau. Tiền tệ truyền thống không hoàn toàn có khả năng thay thế (Fungibility) vì có những trường hợp người ta không thể đổi một loại tiền tệ để lấy các dạng giá trị khác. Ví dụ như số lượng lượt Like trên mạng xã hội Facebook có thể sẽ có một giá trị nhất định về vốn xã hội của một cá nhân nhưng thường thì người ta không thể đổi trực tiếp nó thành những loại tiền tệ khác.

Một token khác với đồng tiền tệ truyền thống (traditional monetary currency) ở chỗ nó có tính bao quát chung (generic nature) hơn. Những đơn vị đồng tiền (currency) hiện tại của chúng ta dùng để xác định một loại giá trị tiền tệ / giá trị tài sản (monetary value) cụ thể dựa trên logic kinh tế của nền kinh tế công nghiệp hiện nay đang quy định – nghĩa là dựa vào các tiện ích (utility) và cung cầu để định giá. Trong khi token có thể xác định một tập hợp những giá trị rộng lớn hơn như nguồn vốn xã hội, nguồn vốn thiên nhiên và nguồn vốn văn hóa.

Ví dụ, nguồn vốn thiên nhiên đúng nghĩa phải kể đến tính toàn vẹn của toàn bộ một hệ sinh thái tự nhiên là bao gồm tất cả những yếu tố giá trị nội tại (Instrinsic Value) cho phép nó hoạt động và cung cấp các điều kiện và phương tiện sống cho con người. Trong mô hình kinh tế truyền thống, chúng ta chỉ định lượng và thực hiện kế toán (tính toán và ghi chép) cho các dịch vụ mà hệ sinh thái tự nhiên cung cấp như thực phẩm, nước, vật liệu .v.v. – chúng chính là các tiện ích (utility). Tuy nhiên chúng ta đã bỏ qua rất nhiều yếu tố giá trị nội tại (Instrinsic Value) khác có liên quan tới tính toàn vẹn của hệ sinh thái như nhiệt độ môi trường, độ ẩm không khí, sự đa dạng sinh học .v.v. mà chính sự có mặt của những nhân tố này mới cho phép khả năng vận hành của chúng.

Tính bao quát chung (generic nature) của token nghĩa là nó có thể được sử dụng để thực hiện kế toán (tính toán và ghi chép) cho đầy đủ các giá trị của một hệ thống như đối với hệ sinh thái tự nhiên của nguồn vốn thiên nhiên. Chính khả năng có thể lập trình của token đã làm cho token có tính bao quát chung (generic) bởi vì chúng ta thông qua token có thể định lượng được gần như bất cứ hình thức giá trị nào – cả giá trị nội tại (Instrinsic Value) lẫn giá trị ngoại vi (Extrinsic Value). Một người nắm giữ một loại token là biểu hiện cho thấy tập hợp giá trị mà loại token đó đại diện có ý nghĩa đối với họ. Đây là lý do tại sao token không giống với các đồng tiền truyền thống vì token đại diện cho một mô hình kinh tế dịch vụ thông tin mới, thông qua token chúng ta có thể nhận biết được thông tin về các giá trị khác ngoài giá trị tiền tệ, nhưng đối với tiền tệ truyền thống điều chúng ta có thể biết thông qua chúng chỉ là giá cả.

Token Hóa (Tokenizing) Các Giá Trị Bất Kỳ Nhờ Vào Công Nghệ Blockchain – Một Cuộc Cách Mạng Về Công Nghệ Xây Dựng Thể Chế.

Tokenizing là quá trình chuyển đổi một số loại tài sản có giá trị thành đơn vị mã thông báo (token) được ghi lại trên blockchain. Bất cứ thứ gì có giá trị đều có thể được token hóa như bất động sản, hàng hóa, chuỗi cung ứng, thị trường năng lượng, kế toán, các khoản cho vay, bảo hiểm, chứng khoán và các công cụ tài chính phái sinh .v.v. Và đây chính là nền tảng để chúng ta có cơ sở hướng tới việc xây dựng một nền kinh tế blockchain. Hãy tưởng tượng rằng, trong tương lai nền kinh tế blockchain sẽ cho phép chúng ta có khả năng token hóa một tòa nhà như Landmark 81, khi đó một cá nhân có thể mua để sở hữu 1% giá trị của tòa nhà (tương ứng với 1% trong tổng lượng cung token đại diện cho tổng giá trị của tòa nhà) hoặc bất cứ một tỷ lệ giá trị sở hữu nào trong khả năng của họ và đều đặn mỗi ngày nhận được lợi nhuận cho thuê của toàn nhà trên 1% lượng sở hữu, thậm chí khi cần thiết có thể dùng l% lượng sở hữu đó để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay cá nhân hoặc có thể bán thanh khoản một cách nhanh chóng lượng tài sản này trên một sàn giao dịch đại chúng hoặc thông qua các cổng giao dịch phi tập trung (mỗi người sẽ có một Decentralized Exchange Protocol của riêng mình) – việc này giống như việc chúng ta thực hiện bán 1% toà nhà Landmark 81 ngay lập tức cho một ai đó mà chúng ta không cần biết họ là ai, ở đâu, giao dịch được thực hiện mà không cần sự tin tưởng lẫn nhau (trustless – phi lòng tin). Tokenizing đã mở ra một sự ưu việt vượt trội của một nền kinh tế dịch vụ mới dựa trên token khi so sánh với nền kinh tế công nghiệp hiện có của chúng ta.

Tokenizing là cách thức cho phép các cộng đồng tự có khả năng xác định loại giá trị mà họ xem trọng thay vì phải có được sự chấp thuận của bất kỳ một tổ chức quyền lực tập trung nào và giúp chúng ta có khả năng kết hợp một phổ các giá trị rộng hơn vào trong cơ chế thị trường. Ví dụ, ngân hàng nhựa https://www.plasticbank.org/ đã tạo ra tác động môi trường và xã hội ở những khu vực có mức độ nghèo đói và ô nhiễm nhựa cao bằng cách biến rác thải nhựa thành đồng tiền tệ (currency). Điều này được thực hiện thông qua việc cho phép dùng nhựa để đổi lấy các token trên một blockchain được thiết kế riêng để ghi lại những trao đổi giá trị này – quá trình này còn gọi là token hóa giá trị của nhựa để định lượng giá trị nhựa thông qua các đồng token. Token hóa đã thúc đẩy khả năng tiếp cận nguồn nhựa thải cho các hệ sinh thái tái chế trên khắp thế giới và ngăn chặn dòng chảy của rác thải nhựa vào đại dương nhờ vào việc tạo ra một thị trường kết nối giữa các bên có nhu cầu sử dụng chất thải nhựa cho tái chế với những người thu gom các nguồn nhựa thải.

— Chúng ta đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên của “Internet of Something”, bất cứ một Something nào có giá trị đều có thể trở thành một đơn vị tiền tệ (currecy) nhờ vào khả năng token hóa —

Một token là một đại diện định lượng cho một đơn vị giá trị trong một nền kinh tế cụ thể hoặc một mạng lưới dịch vụ nào đó. Token được sử dụng để định lượng bất kỳ loại giá trị nào và quan trọng hơn chúng có thể sử dụng để xác định các dạng giá trị cụ thể và riêng biệt. Trong nền kinh tế blockchain chúng ta có rất nhiều loại token như token năng lượng, token dung lượng lưu trữ, token sức mạnh tính toán, token phiếu bầu cử .v.v. Theo cách này, nền kinh tế token mang lại những tiềm năng có thể kết hợp nhiều loại giá trị khác nhau, đưa ra được các đại diện cho các loại giá trị đã từng bị loại trừ hay bị bỏ qua trong nền kinh tế trước đây. Khi toàn bộ các loại giá trị được thể hiện đầy đủ trong một nền kinh tế như vậy thì ta gọi đó là một nền kinh tế có kế toán chi phí đầy đủ (a full cost accounting economy).

Giá trị của token tăng lên khi giá trị cảm nhận và nhu cầu tham gia vào và sử dụng đối với mạng lưới tăng lên. Trong khi tiền pháp định (fiat currency) được thiết kế để sử dụng cho việc trao đổi, giao dịch các loại sản phẩm hàng hóa trong nền kinh tế quốc gia, thì token được thiết kế để cho phép có quyền truy cập vào các giá trị được phân phối bởi một mạng lưới nhất định, do đó giá trị của token được liên kết với toàn bộ giá trị của mạng lưới đó. Một công ty thu được lợi nhuận không nhất thiết phải dựa trên các trao đổi giao dịch cho từng đơn vị sản phẩm mà có thể từ việc tăng trưởng của các dịch vụ được cung cấp bởi mạng lưới tổng thể, điều này được phản ánh thông qua sự tăng trưởng trong giá trị token của họ.

Tokenizing là cách thức và lý do mà nền kinh tế token sẽ làm giảm đáng kể tính chất của mô hình kinh doanh truyền thống – được thiết kế chủ yếu để tạo ra lợi nhuận cho chủ sở hữu (bao gồm cả các cổ đông). Nền kinh tế token xây dựng nên các mạng lưới token có vai trò giống như các tiện ích cộng đồng (public ultilities) hơn, vì lợi nhuận không bị lấy ra khỏi mạng lưới bởi các cổ đông như trong các tổ chức kinh doanh truyền thống mà thay vào đó nó liên tục được tái đầu tư và phân phối lại cho người dùng của mạng lưới thông qua các đồng token. Hầu hết các thể chế tập trung của nền kinh tế công nghiệp như hội đồng quản trị, tổ chức chính phủ trung ương .v.v. đều nỗ lực để kéo vào (pull inward) và hút lên (suck upward) các giá trị về phía họ, nhưng đối với các mạng lưới phân tán, nếu được thiết kế đúng cách, chúng có thể hoạt động để đẩy giá trị tích lũy xuống phía dưới (accrue downward) lớp cơ sở hạ tầng và hướng đến (outward) cho các thành viên của mạng lưới – những người nắm giữ token.

Để minh họa rõ hơn về vấn đề này, chúng ta sẽ xem xét về dịch vụ lưu trữ dữ liệu đám mây (cloud data storage) hiện nay được cung cấp chỉ bởi một số ít doanh nghiệp với tiềm lực khổng lồ gần như độc quyền như Amazon, Microsoft và Google. Các tổ chức tập trung này sở hữu những trung tâm dữ liệu khổng lồ tuy nhiên nó vẫn là một phần rất nhỏ khi so sánh với dung lượng lưu trữ đang có trên toàn thế giới mà phần lớn dung lượng lưu trữ này nằm trong các thiết bị cá nhân của người dùng cuối và hầu hết là không được sử dụng tới. Filecoin là dự án hoạt động để tạo ra một nền kinh tế token phân tán dành cho thị trường cung cấp khả năng lưu trữ này. Filecoin là một mạng lưới lưu trữ phi tập trung biến lưu trữ đám mây thành một thị trường thuật toán. Thị trường này hoạt động một cách tự động trên blockchain với token giao thức gốc (native protocol token) có tên là FIL. Các token này là ưu đãi khuyến khích được trả cho những người cung cấp dung lượng lưu trữ (còn gọi là miner) cho khách hàng là người dùng trong mạng lưới. Ngược lại, người dùng chi trả FIL token đến nhà cung cấp để lưu trữ hoặc phân phối dữ liệu của mình.

Đối với mô hình tổ chức truyền thống, nhu cầu tổ chức dự án luôn xoay quanh lợi nhuận của nhà đầu tư, hệ thống được thiết kế sao cho việc dịch chuyển giá trị từ bên trong mạng lưới / tổ chức tới các cổ đông được tối ưu nhất. Nhưng với một hệ thống như blockchain thì nó đã giúp cho mạng lưới có khả năng tự gây quỹ nhờ vào việc bán quyền truy cập sử dụng các dịch vụ tương lai mà nó hứa hẹn sẽ cung cấp, thông qua các token được phát hành dưới các đợt mở bán token lần đầu ra công chúng (ICO, IEO .v.v.), vì vậy mà giá trị luôn được giữ lại bên trong mạng lưới. Sự khác nhau cơ bản ở đây là các cổ phiếu đơn thuần là những tờ giấy chứng nhận quyền sở hữu một phần của tổ chức trong khi các token ngoài chức năng là đại diện một phần sở hữu của mạng lưới thì nó còn có thể sử dụng để truy cập vào và kích hoạt các tính năng dịch vụ mà mạng lưới cung cấp.

Các token như Filecoin (FIL) có thể được trao đổi giao dịch với các loại đồng tiền (token hoặc fiat) khác hoặc các thành viên có thể giữ lại token FIL của mình để giá trị của nó sẽ tăng cao khi mạng lưới của Filecoin phát triển theo thời gian. Điều này cho thấy một khía cạnh rất thú vị của token là bất cứ ai sử dụng hệ thống bằng cách mua vào một lượng token cũng đồng thời trở thành một nhà đầu tư vào mạng lưới, token vừa là đơn vị để thể hiện giá trị vốn đầu tư vừa là đơn vị để sử dụng cho trao đổi trong hệ sinh thái, do đó token hợp nhất vốn đầu tư và vốn trao đổi thanh khoản theo một cách thức mới, biến những người làm việc tạo ra giá trị trong hệ thống sẽ được trả công bằng token, khi họ nắm giữ token cũng đồng nghĩa với việc họ đang có quyền sở hữu một phần của mạng lưới.

Ngược lại, trong mô hình tư bản truyền thống, chúng ta có sự phân chia rõ ràng giữa chủ sở hữu vốn và người lao động, giữa vốn đầu tư cố định và các đồng tiền trao đổi thanh khoản. Cổ phiếu của một công ty không giống với đồng tiền mà mọi người được trả công khi làm việc trong doanh nghiệp và sử dụng cho các giao dịch mua bán hàng ngày. Điều này tạo nên sự phân chia tiêu cực trong nền kinh tế công nghiệp, đó là sự chênh lệch lợi ích và công sức giữa những nhà tư bản – người kiếm được lợi nhuận từ các khoản vốn đầu tư của họ vào việc sở hữu các công ty – và người lao động – người luôn phải bán sức lực của mình cho công ty để đổi lấy một số tiền công nhỏ bé mà không hề sở hữu bất cứ một phần nào của doanh nghiệp. Hệ thống token hoạt động để điều chỉnh các ưu đãi khuyến khích tốt hơn của các cá nhân với mạng lưới tổng thể, vì giá trị của các token mà họ kiếm được cũng phụ thuộc vào toàn bộ giá trị của hệ sinh thái. Cho nên khi một cá nhân đóng góp công sức có giá trị vào một mạng lưới token cũng chính là họ đang vừa làm việc cho bản thân vừa làm việc cho toàn bộ hệ thống, hai bên sẽ có liên kết đồng bộ mạnh mẽ hơn. Con người sẽ có động lực để làm việc và sáng tạo nhiều hơn.

Nền kinh tế token cho phép chúng ta trực tiếp lập trình nên các cấu trúc khuyến khích kinh tế thông qua các đồng token và điều này chuyển đổi yếu tố đánh giá sự thành công của các mô hình kinh tế từ khả năng hoạch định chính sách và quản lý sang khả năng thiết kế và công nghệ. Hiện nay các mạng lưới token được thiết kế tốt có khả năng xây dựng các dạng cấu trúc / cơ chế khuyến khích mới (incentive structures) thực sự cải thiện được liên kết giữa các tác nhân / các bên tham gia trong mạng lưới và với các tác nhân của các hệ thống khác có liên quan. Lợi ích khuyến khích kinh tế và những đóng góp vào sự phát triển chung giữa các bên trong hệ thống sẽ được cân bằng và công bằng hơn. Tương lai của các nền kinh tế tiên tiến hiện này là tập trung chủ yếu vào việc thiết kế nên các mô hình kinh tế token (token economy) bền vững, phát triển khả năng lập trình blockchain và cách thức xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ.

Khả năng phân biệt sự khác nhau giữa các dạng giá trị có thể được thực hiện nhờ vào khả năng lập trình của các đơn vị token. Bởi vì token tồn tại dưới dạng kỹ thuật số nên chúng có thể lập trình được, để cho phép người ta chỉ định các quy tắc nhất định cho một loại token và thực thi các quy tắc đó khi nó được trao đổi, giao dịch. Do đó nó cho phép hoặc hạn chế một số khả năng trong việc sử dụng nó. Người ta có thể chỉ định một loại token nào đó chỉ có thể sử dụng hay chi tiêu theo các điều khoản nhất định hoặc chỉ định cách nó có thể được chuyển đổi (convert). Ví dụ người ta có thể lập trình một token để không thể dùng nó mua hay đổi được những sản phẩm được sản xuất ở những nơi bị cho là sử dụng và bóc lộc lao động trẻ em trên thế giới. Theo cách này token đó không chỉ là một đơn vị tiện ích để sử dụng kích hoạt các chức năng dịch vụ do mạng lưới cung cấp cho người dùng mà còn thể hiện các giá trị xã hội của nó. Tương tự như vậy, người ta có thể tạo ra các khoản trợ cấp sức khỏe của bảo hiểm y tế bằng USD được lập trình trên blockchain để nó chỉ có thể dùng thanh toán cho việc chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế được đăng ký chứng nhận. Tự động hóa các biện pháp này sẽ giảm thiểu đáng kể sự quan liêu, tham nhũng của bộ máy quan quyền. Hệ thống token có khả năng lập trình này hoạt động để chuyển nền kinh tế của chúng ta từ mô hình giá trị đơn lẻ sang mô hình đa giá trị, chúng tạo ra nhiều loại giá trị kinh tế và những kiểu tổ chức kinh tế (economy) khác nhau xoay quanh những loại giá trị đó nhưng vẫn giữ được khả năng trao đổi giữa chúng.

Mối Quan Hệ Giữa Tài Sản Vật Lý Và Blockchain

Blockchain rất thích hợp để quản lý loại tài sản là các đồng token trong mạng lưới nhưng nếu chỉ dừng lại ở công việc đơn thuần đó thì rất khó để blockchain đi vào cuộc sống của chúng ta một cách sâu sắc. Điều mà con người đang hướng đến là việc sử dụng mạng lưới blockchain để quản lý cả những tài sản hữu hình trong thế giới thực như các hệ thống vật lý của công nghệ, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, bất động sản .v.v. nên khả năng tương tác giữa những mạng lưới giá trị (blockchain) với nền kinh tế thực và sự chuyển tiếp qua lại giữa khu vực thông tin vô hình với khu vực tài sản vật lý hữu hình đã tạo ra các vấn đề cực kỳ quan trọng. Thách thức để thực hiện sự chuyển đồi này là phải đảm bảo rằng các token được kết nối an toàn và chính xác tới những tài sản vật lý cơ bản mà chúng đại diện – nghĩa là phải đảm bảo được tính nhất quán (consistency) xuyên suốt trong hệ thống. Bởi vì, trong thế giới thực, chúng ta luôn có những tình huống vượt quá tầm kiểm soát như các tài sản hữu hình có giá trị bị đánh cắp hay bị phá hủy, các tài sản sở hữu trí tuệ bị vi phạm bản quyền, sự lừa đảo trong các giao dịch hàng hóa .v.v. nguyên nhân chung cho những hiện tượng này phần lớn đều do con người không tuân thủ đúng các quy định và luật lệ.

Hầu hết những quy trình và thủ tục nặng nề của hệ thống kinh tế truyền thống đều dựa vào các cấu trúc pháp lý quốc gia cồng kềnh, chúng được đảm bảo vận hành bởi các bộ luật và các lực lượng hữu hình của chính phủ. Điều này trái ngược hoàn toàn với tính linh hoạt, gọn nhẹ và tức thời của các hệ thống blockchain. Hãy nghĩ đến sự khác nhau giữa quy trình thủ tục để một cá nhân sở hữu một mảnh đất trong hệ thống pháp lý truyền thống như hiện nay và việc chuyển đổi quyền sở hữu trên một blockchain bất động sản chỉ bằng cách chuyển đổi quyền sở hữu đồng token của mạng lưới blockchain đó chúng ta sẽ nhận thấy sự khác biệt.

Trong giai đoạn sơ khởi của công nghệ blockchain, chúng ta vẫn đang phụ thuộc vào các khung pháp lý truyền thống để đảm bảo sự chính xác cho mối liên kết giữa một tài sản thực với đồng token đại diện cho nó. Hiện nay, sử dụng một trung gian trọng tài được xem là một phương pháp tham chiếu hiệu quả nhất để giữ cho những gì đang xảy ra trên blockchain tương ứng với những gì đang xảy ra ở các tài sản vật lý và các hệ thống pháp lý mà nó chấp nhận hoạt động trong đó. Và có một cách thức để liên kết các hệ thống pháp lý với những gì đang xảy ra trên một mạng lưới token là thông qua Ricardian Contract.

Ricardian Contract đặt các điều khoản cơ bản của các thỏa thuận pháp lý theo định dạng có thể được trình bày và được thực thi trong phần mềm – nghĩa là tạo ra ngôn ngữ biểu thị đánh dấu (markup language) cho nội dung của tài liệu. Mục đích là làm cho tài liệu có thể đọc hiểu được bởi máy lẫn có thể đọc được như một tài liệu văn bản thông thường để luật sư và các bên của thỏa thuận có thể đọc được các điều khoản cơ bản của hợp đồng một cách thuận tiện. Từ góc độ điện toán, Ricardian Contract là một mô thức thiết kế phần mềm để số hóa các tài liệu và thực thi chúng trong các giao dịch tài chính mà không làm mất đi bất kỳ sự phong phú nào trong cách thức truyền thống của việc sử dụng hợp đồng nhưng lại dẫn tới sự hiệu quả trong việc giảm chi phí giao dịch, giải quyết tranh chấp nhanh hơn, tăng tính minh bạch và cải thiện khả năng thi hành.

Mattereum là một dự án đi đầu trong việc thử nghiệm sử dụng các Ricardian Contract để tạo ra mối liên kết hiệu quả giữa các hồ sơ trên blockchain và các phán quyết tranh chấp ràng buộc pháp lý bên ngoài đã được thiết lập của trọng tài, do đó đưa vào blockchain những gì đã xảy ra với trọng lượng pháp lý đầy đủ theo hợp đồng ngôn ngữ tự nhiên. Mattereum còn được gọi là một dự án cơ sở hạ tầng về Internet of Agreements (mạng lưới của các giao ước) cho các hợp đồng thông minh có khả năng thi hành hợp pháp (legally enforcable smart contract), cho phép việc bán hoặc cho thuê tài sản vật lý và các chuyển nhượng khác về các quyền đối với tài sản. Mattereum được xem là một “tòa án” hiểu được bản chất của tiền mã hóa (cryptocurrency), giúp thu hẹp khoảng cách giữa token ảo với tài sản vật lý trong thế giới thực, làm cho các tài sản vật lý và tài sản sở hữu trí tuệ có thể giao dịch trên blockchain. Trong trường hợp bạn mua một món hàng nhỏ bằng Bitcoin và người bán không thực hiện giao hàng, sẽ rất khó khiếu kiện việc này tới một thẩm phán (judge) của tòa án để giải quyết các tranh chấp lặt vặt như vậy cho dù chúng là vấn đề rất quan trọng. Chính vì nguyên do này mà Mattereum ra đời cho phép các trọng tài (arbitrator) có thẩm quyền kỹ thuật đưa ra phán quyết trong trường hợp này thay vì phải cần tới một thẩm phán (judge). Mattereum là một khởi xướng nhằm có được các khung pháp lý cần thiết phù hợp để thực hiện kiểm soát trực tiếp tài sản vật lý bằng cách sử dụng blockchain.

Giá Trị Trong Nền Kinh Tế

Nhìn chung, ở các cấp độ khác nhau, nền kinh tế được vận hành để đáp ứng nhu cầu của con người một cách hệ thống và có kế hoạch. Trong kinh tế học, thuật ngữ Giá Trị (Values) đề cập đến sự ước định về số lượng của hàng hóa, dịch vụ và các khoản phải thu. Ngày nay, các loại tiền tệ pháp định như USD, EURO .v.v. đóng vai trò là phương tiện chuyển giá trị phổ quát, làm cho hàng hóa, dịch vụ và các khoản phải thu có thể đo lường định lượng được.

Sự đánh giá kinh tế phân biệt rõ ràng giá trị (value) và giá cả (price) của hàng hóa và dịch vụ. Trong khi giá trị (value) của hàng hóa/dịch vụ có thể được xác định một cách liên chủ thể (intersubjectively) thì giá cả (price) phản ánh nhận thức chủ quan của các bên tham gia thị trường. Ví dụ, một chiếc điện thoại di động được sản xuất ở Trung Quốc có thể có một giá trị thực là 10 EURO đã bao gồm các chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển và sản xuất, lại được bán ở một đất nước công nghiệp phát triển với giá tới 800 EURO. Trong trường hợp này, giá trị (value) của chiếc điện thoại di động này là 10 EURO trong khi giá cả (price) của nó tới tận 800 EURO. Tuy nhiên, cùng một chiếc điện thoại đi động đó, nó có thể chỉ có giá 400 EURO ở một đất nước khác. Giá cả (Price) của một sản phẩm phụ thuộc nhiều hơn vào mức độ đánh giá chủ quan nhiều hay ít của người mua đặt vào sản phẩm. Tất cả các đối tượng có tính kinh tế đều có thể được đem ra rao bán, được cung cấp với một mức giá cả cụ thể và có một giá trị nhất định.

Internet of Value Là Gì?

Thuật ngữ Internet of Value mô tả không gian số của Internet như một trung gian cho việc lưu chuyển và lưu trữ của tất cả các loại giá trị. Công nghệ blockchain đóng một vai trò chính trong việc hiện thực hóa khái niệm này. Blockchain được xem như là một giao thức trao đổi giá trị có tính bảo mật gần như tuyệt đối, đảm bảo sự trao đổi của các loại giá trị hàng hóa theo thời gian thực (gần như là ngay lập tức). Một số đối tượng có giá trị sau đây có thể đáp ứng được điều này là:

  • Tiền tệ
  • Chứng khóan
  • Quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu tài sản.
  • Âm nhạc, tác phẩm nghệ thuật
  • Các nghiên cứu khám phá khoa học
  • Hợp đồng kỹ thuật số
  • Định danh kỹ thuật số
  • Phiếu bầu trong một cuộc bầu cử
  • Điểm thành viên thân thiết của các cửa hàng dịch vụ ăn uống, giải trí
  • Và còn nhiều đối tượng có giá trị khác nữa …

Làm cách nào mà điều này trở nên khả thi? Công nghệ blockchain có những đặc tính có thể ngăn chặn các giá trị bị sửa đổi, bị lỗi hoặc không đúng đắn và vì vậy nó phù hợp để hiện thực hóa khái niệm Internet of Value. Giá trị được lưu trữ trong blockchain sẽ không thể bị có bản sao để được sử dụng cùng lúc. Nhìn chung công nghệ blockchain là một công nghệ có khả năng xây dựng hiệu ứng lòng tin giữa các bên giao dịch với nhau – một niềm tin được xây dựng dựa vào công nghệ chứ không phải giữa người với người.

Blockchain được xem như một kho lưu trữ giá trị. Vì một blockchain như là một cuốn số cái (ledger) ghi lại các giao dịch và có nhiều bản sao đồng nhất được lưu trữ cùng lúc trên nhiều máy tính (còn gọi là các full node) được kết nối với nhau trong một mạng. Không một máy tính nào có quyền thay đổi giao thức một cách độc lập và vì thế nó thể hiện tính phi tập trung hóa của blockchain, về lý thuyết một hệ thống blockchain là cực kỳ an toàn và bảo mật do một khi có các tác nhân độc hại xuất hiện ngay lập tức tác nhân đó sẽ bị loại trừ khỏi hệ thống bởi cơ chế đồng thuận và quản trị hệ thống giữa các node mạng mà blockchain vận hành. Điều này không những làm cho hệ thống blockchain an toàn mà còn minh bạch, đáng tin cậy. Nghĩa là các thông tin giao dịch quan trọng được đưa vào blockchain sẽ luôn có thể được xem bất cứ lúc nào bởi bất cứ ai có tham gia vào hệ thống. Một ưu điểm khác của blockchain là phí giao dịch cực thấp (gần như là bằng 0 ở một số blockchain), chúng có thể được truy cập ở bất kỳ đâu trên thế giới miễn là người dùng có khả năng truy cập Internet. Về cơ bản, công nghệ blockchain có thể được lập trình cho bất kỳ một giá trị nào có thể hình dung được không chỉ dành riêng cho tiền mã hóa hay chứng khóan, blockchain là loại công nghệ có thể hiện thực hóa tầm nhìn về một nền kinh tế Internet of Value.

Internet of Value sẽ cung cấp một cơ sở hạ tầng cho tương lai của Internet. Thuật ngữ này mô tả Internet như một không gian để lưu chuyển và lưu trữ cho bất kỳ một giá trị nào có thể hiểu và nhận thức được. Công nghệ blockchain sẽ giúp triển khai Internet of Value trở nên khả thi vì nó đảm bảo rằng các giá trị có thể được lưu trữ, được chia sẽ một cách an toàn, bảo mật, phi tập trung, hiệu quả và minh bạch. Nếu hệ thống Web được tạo ra để phục vụ cho việc trao đổi thông tin, thì Blockchain là hệ thống được thiết lập để hỗ trợ cho việc trao đổi giá trị. Hệ thống Web ra đời đã cách mạng hóa việc sử dụng và trao đổi thông tin trong xã hội, phá vỡ toàn bộ các ngành công nghiệp dựa trên sự tập trung hóa thông tin như báo in, thì blockchain cũng thực hiện sứ mệnh tương tự cho việc ghi nhận và trao đổi của tất cả các dạng giá trị có thể định lượng được. Không ngẫu nhiên mà mà ứng dụng rộng rãi đầu tiên của công nghệ blockchain là dành cho tiền tệ, vì đây là nguồn giá trị có định lượng nhanh chóng và rõ ràng nhất trong xã hội.

Mô Hình Kinh Tế Mới Dựa Vào Đa Giá Trị Trên Phổ Giá Trị Rộng Hơn

Tiền tệ hoạt động giống như một ngôn ngữ vậy, chúng chịu ảnh hưởng của mạng lưới để mang lại cho chúng giá trị, càng nhiều người đồng ý sử dụng và hiểu nó thì nó càng có giá trị, và ngôn ngữ hay đồng tiền cụ thể đó sẽ trở thành một hình thức giao tiếp. Bản chất của đồng USD, EURO hay Bitcoin không có giá trị nội tại, tất cả chúng đều là một giao thức xã hội đại diện cho một cách thức trao đổi các dòng luân chuyển giá trị giữa những cá nhân với nhau. Dĩ nhiên Internet of Value không chỉ đơn thuần là về tiền tệ có giá trị mà nó còn là một khái niệm rộng lớn hơn nhiều so với tính tiện ích kinh tế thuần túy.

Khi nói về Internet of Value, điều quan trọng là phải nhận thức khái niệm này ở cấp độ xã hội, quan niệm truyền thống về những giá trị trong xã hội đang được xem xét lại như một tập hợp mới của các yếu tố xã hội và các yếu tố môi trường được viết lại dưới một dạng thức hoàn toàn khác. Chẳng hạn như, ngày nay các giá trị GDP đang dần không còn trở thành thông số duy nhất để đánh giá sự phát triển và hiệu suất của một quốc gia như trước kia nữa, mà thay vào đó phổ giá trị để đánh giá sự phát triển này đang ngày càng được mở rộng hơn bởi sự cộng hưởng của một tập hợp các giá trị khác như các chỉ số giá trị về môi trường, về tinh thần xã hội .v.v. tất cả đều hướng đến chất lượng thực tế của cuộc sống của mỗi cá nhân chứ không đơn thuần chỉ đánh giá chất lượng phát triển dựa trên chỉ số giá trị về thu nhập kinh tế nữa. Các số liệu cho thấy một xã hội được con người ủng hộ là một xã hội ngày càng hướng đến việc được đánh giá bằng các thông số về môi trường, xã hội kết hợp với chỉ số GDP.

Cùng với sự công nhận tầm quan trọng của các dạng giá trị khác nhau đã dẫn tới việc xuất hiện các phương tiện kỹ thuật để định lượng và trao đổi chúng. Thông qua quy trình công nghệ thông tin phân tích dựa trên dữ liệu lớn (Datafication) cho phép chúng tôi đo lường, theo dõi và trao đổi đối với nhiều loại giá trị chưa từng được thực hiện trước đây cũng như đối với sự thay đổi trong các thông số (hay còn gọi là gia số) ở mức độ nhỏ chưa từng thấy như lượt Like trên Facebook, sự chú ý của mọi người, lượng khí thải carbon .v.v. Với sự phát triển của dữ liệu lớn (Big Data) và IoT (Internet of Things – Vạn Vật Kết Nối) chúng ta sẽ định lượng và xác định giá trị cho hầu hết mọi thứ và công nghệ Blockchain sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng được kết nối thành mạng lưới cho việc theo dõi và trao đổi tất cả các đại lượng vĩ mô lẫn vi mô của giá trị.

Sự chuyển đổi từ dạng hẹp của giá trị kinh tế – loại giá trị đã thống trị trong suốt thời đại kinh tế công nghiệp – sang phổ giá trị rộng hơn với các giá trị khác nhau đã được kích hoạt bởi hệ thống sổ cái phân tán (Distributed Ledger / Blockchain). Chính hệ thống này đã hình thành nên những mô hình kinh tế token mới, mà ở đó chúng ta có thể quy định một token là một đại lượng đo lường của bất kỳ dạng giá trị cụ thể nào và sau đó chúng ta có thể xây dựng nền kinh tế xoay quanh giá trị đó.

Mạng Lưới Thị Trường Dựa Trên Đa Giá Trị

Sự thật là các mô hình kinh tế token (token economics) và Internet of Value xây dựng dựa trên sự mở rộng hiện tại của thị trường kĩ thuật số được hình thành bởi sự phát triển của mô hình kinh tế nền tảng (platform). Trong nhiều thập kỷ qua, với Web 2.0 chúng ta đã bắt đầu mở rộng thị trường kỹ thuật số (digital market) – phân biệt với thị trường truyền thống hay thị trường vật lý (traditional market / physical market) – ra ngày càng nhiều lĩnh vực của cuộc sống mà trước đây các lĩnh vực này được tổ chức bởi các thể chế quản lý và nắm giữ các nguồn lực một cách tập trung hóa như các tập đoàn, chính phủ hay công ty tư nhân. Nhưng hiện nay, dịch vụ lưu trú lớn nhất thế giới không còn thuộc về một tổ chức tập trung như chuỗi khách sạn Hilton nữa mà nó thuộc về thị trường trực tuyến được tổ chức bởi các mô hình kinh tế nền tảng (platform) như AirBnB, điều tương tự cũng đã xảy ra với ngành Taxi mà đại diện tiên phong là UBER, ngành thương mại điện tử với Alibaba – một nền tảng thương mại trực tuyến có khoảng 10 triệu thương nhân và hàng trăm triệu người dùng hoạt động và có thể xử lý tới 544 000 đơn hàng mỗi giây. Trong mô hình kinh tế nền tảng, những thực thể này chỉ còn đóng vai trò là nền tảng công nghệ trung gian để kết nối một cách chính xác cho các nhu cầu giữa người cung cấp và người sử dụng. UBER được xem là công ty kinh doanh taxi lớn nhất thế giới mà không sở hữu bất kỳ một chiếc taxi nào, tương tự như vậy AirBnB là công ty kinh doanh dịch vụ cho thuê lưu trú có quy mô đứng đầu toàn cầu mà không sở hữu bất cứ căn hộ hay phòng khách sạn cho thuê nào và còn nhiều nữa những ví dụ điển hình khác về mô hình kinh tế nền tảng tương tự như Youtube, Facebook .v.v. Nhưng mô hình kinh tế blockchain đã làm thay đổi hình thái của mô hình kinh tế nền tảng – nơi nhà cung cấp kết nối được với người tiêu dùng – sang hình thái của mô hình kinh tế hợp tác (collaborative economy) – nơi có các sáng kiến dựa trên những mạng lưới ngang hàng và sự tham gia của một cộng đồng. Sự chuyển đổi này đã làm xóa mờ ranh giới giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, chúng kết nối các cá nhân thành các mạng lưới trao đổi ngang hàng (P2P) rộng lớn.

Thị trường rất phức tạp và chúng đòi hỏi sự tổng hợp một lượng lớn thông tin và các tương tác ngang hàng, nếu không có một nền tảng công nghệ trung gian như đã kể trên thì những tương tác ngang hàng giữa người cung cấp và người sử dụng chỉ có thể khả thi khi thông qua các mô hình tập trung. Nhưng việc chúng ta ngày càng mở rộng sự định lượng và tính toán cho nhiều loại giá trị ở nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống thì mạng lưới dựa trên công nghệ blockchain sẽ ngày càng mở rộng năng lực của các thị trường có khả năng sẵn sàng tích hợp (Plug and Play Market) đến hầu hết các phạm vi của đời sống, xã hội, kinh tế, công nghệ và môi trường – ở góc độ kỹ thuật, đây là một tầm nhìn về tập hợp các mạng lưới blockchain của từng lĩnh vực riêng lẻ sẽ có thể kết nối và trao đổi giá trị (dữ liệu / thông tin) với nhau trong một hệ thống tổng quát chung toàn cầu, từ đây chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của các giải pháp cho các vấn đề giao tiếp / giao dịch chéo chuỗi (cross-chain) như Interoperability, Atomic Swap .v.v. Các kỹ thuật cross-chain cùng với blockchain cùng nhau chúng sẽ tạo ra một mạng lưới các không gian liên tổ chức (network the inter-organizational space) có sự phối hợp hiệu quả.

Mô hình Internet of Value này sẽ hoạt động như cơ sở hạ tầng cho sự xuất hiện của nền kinh tế dịch vụ hiện đang diễn ra trong các nền kinh tế hậu công nghiệp. Với năng lực của một mạng lưới có thể trao đổi bất kỳ loại giá trị nào với nhau như vậy, chúng sẽ giúp mở rộng hệ thống thị trường cho hầu hết các lĩnh vực hoạt động, mọi tổ chức sẽ chuyển đổi thành các mạng ngang hàng (P2P). Các nguồn lực sẽ được phân bổ một cách năng động khi cần thiết thông qua sự trao đổi của các thị trường, chẳng hạn như chúng ta sẽ có một tổ hợp thị trường trao đổi (các mạng blockchain kết nối với nhau) bao gồm một blockchain của lĩnh vực ngân hàng, một blockchain trong lĩnh vực bất động sản và một blockchain trong lĩnh vực định danh cá nhân, chúng sẽ có thể kết nối chéo đến nhau và sử dụng các giá trị (dữ liệu / thông tin) của các bên để cung cấp các dịch vụ có chất lượng chính xác.

Việc chuyển đổi từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế dịch vụ sẽ dẫn đến việc chuyển đổi các sản phẩm công nghiệp thành các dịch vụ. Trong khi mô hình kinh tế dựa trên sản phẩm là hướng về việc sản xuất và tiêu thụ nhiều sản phẩm, nó được đo lường bằng chỉ số GDP, thì mô hình kinh tế dịch vụ là mô hình kinh tế đề cập đến vấn đề tạo ra và chuyển phát giá trị, một dịch vụ là một sự trao đổi giá trị, người tiêu dùng không nhận được sản phẩm hữu hình mà họ nhận được chức năng của nó và giá trị mà nó mang lại. Do đó tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế sẽ được tái định nghĩa lại từ khái niệm của các đơn vị sản phẩm tĩnh sang thành khái niệm của những giao dịch lưu động (fluid exchanges) nhiều hơn của các giá trị. Về mặt khái niệm, trong tương lai, chúng ta sẽ không mua một cái thang máy để lắp đặt trong tòa nhà văn phòng của mình như một sản phẩm phương tiện để di chuyển nữa, chúng ta tiếp nhận nó như một dịch vụ – dịch vụ di chuyển bằng thang máy – và chỉ việc trả tiền cho giá trị chức năng mà nó mang lại (get it as-a-service / it is dilivered as-a-service). Điều này được gọi là hiện tượng dịch vụ hóa (servicization), nghĩa là sự chuyển đổi từ hình thái “sản xuất sản phẩm và quyền sở hữu mọi thứ” sang hình thái “có quyền truy cập vào các dịch vụ theo yêu cầu”, thay vì sở hữu một chiếc xe hơi chúng ta chỉ cần có quyền truy cập vào một dịch vụ chia sẽ xe hơi. Nền hình kinh tế sử dụng tạm thời này (the economy of temporary usage) thông qua các dịch vụ đòi hỏi phải hình thành được các thị trường không có chi phí giao dịch (frictionless market) và trao đổi giao dịch được thực hiện tự động – khả năng mà blockchain đã cho thấy tiềm năng có thể thực hiện được.

Blockchain là cơ sở hạ tầng quan trọng làm cho nền kinh tế dịch vụ mới này trở nên khả thi trong thực tế. Vì một mô hình kinh tế dịch vụ mới như vậy đòi hỏi nó phải có khả năng theo dõi và trao đổi các giá trị có tính linh hoạt rất cao (fluid), đầy sôi nổi và được thực hiện một cách tự động. Tài sản thông minh và các hợp đồng thông minh sẽ tạo nên cơ sở hạ tầng công nghệ thúc đẩy mạnh mẽ cho nền kinh tế dịch vụ mới này khi chúng hoạt động trong các mạng ngang hàng có số lượng thành viên tham gia rất lớn. Sự chuyển đổi cách mạng về mô hình kinh tế này khiến chúng ta phải khái niệm lại mọi lĩnh vực để nghiêm túc đặt ra câu hỏi về giá trị thực sự mà nó mang lại là gì và sau đó tái cấu trúc nó bằng cách xây dựng các thị trường token (token markets) hay các thị trường giá trị khác (the markets of another values) có liên quan xoay quanh giá trị đó, nơi mà mọi người có thể tham gia vào việc cung cấp dịch vụ.

Với Web 2.0 và mô hình kinh tế nền tảng (platform economy), chúng ta đã mở rộng được năng lực của thị trường để nhiều người khác có thể cùng lúc tham gia vào việc cung cấp dịch vụ cho nhiều người dùng như UBER, AirBnB .v.v. Tuy nhiên, các thị trường này được tập trung xung quanh các công ty vận hành nền tảng và chúng phụ thuộc vào các hệ thống tiền tệ truyền thống. Trong thế hệ Web 3.0, các ứng dụng blockchain (Dapp) sẽ hoạt động như các thị trường có khả năng tích hợp tự động được phân tán (distributed automatic Plug and Play markets), trong đó các mức gia tăng (increments) giá trị cực nhỏ có thể được trao đổi trực tiếp ngang hàng với mức độ linh hoạt/lưu động rất cao. Khi điều này được kết hợp với IoT và Phân Tích Dữ Liệu Lớn (Datafication) chúng ta sẽ có thể theo dõi giá trị thực mà mọi thứ mang lại, tạo ra sự chuyển đổi rất cần thiết từ nền kinh tế dựa trên sản phẩm (a product based economy) sang nền kinh tế dựa trên đầu ra hiệu quả (an outcomes economy), phản ánh tốt hơn cho giá trị cơ bản được tạo ra và được trao đổi.

User Generated Ecosystems (Hệ Sinh Thái Do Người Dùng Tạo)

Mục đích trung tâm trong sự phát triển của một doanh nghiệp hay một nền kinh tế là liên kết được lợi ích cá nhân với tổ chức chung để đạt được kết quả tổng thể tối ưu nhất. Trong các cộng đồng có quy mô nhỏ có thể không khó để duy trì liên kết này, mọi người đều dễ dàng thấy được những nỗ lực đóng góp trực tiếp của mình vào giá trị tổng thể và ảnh hưởng ngược lại của giá trị tổng thể đó liên kết đến lợi ích mà mình thu được, mọi người sẽ cảm thấy công bằng vì sự tập trung lợi ích vào một cá thể hay một nhóm người là rất ít hoặc gần như không có. Nhưng đây là một vấn đề lớn đối với các thể chế hay các tổ chức có phạm vi mở rộng, chúng được phân hóa cao hơn và đòi hỏi quyền kiểm soát được tập trung mạnh mẽ hơn. Chính việc này đã tạo ra sự mất kết nối giữa đóng góp cá nhân và giá trị tổng thể từ đó dẫn đến các tiêu cực như sự tập trung lớn của lợi ích, của cải vào tay một nhóm thống trị, sự tham nhũng bùng phát và sự bất bình đẳng gia tăng. Bởi vì mô hình tổ chức truyền thống thiếu đi một công cụ kết nối giữa các bên tham gia nên cần thiết phải có các thể chế tập trung để làm cầu nối cho các tương tác và giao dịch, nhưng với mạng blockchain, nó đã cung cấp cơ sở hạ tầng tự động để thực hiện các kết nối này bất chấp các rào cản đã tồn tại trong quá khứ như vị trí địa lý, lòng tin, tốc độ và thời điểm giao dịch .v.v.

Sự phân biệt và bất bình đẳng trong các tưởng thưởng xứng đáng cho những đóng góp vào giá trị tổng thể sẽ được điều chỉnh lại một cách công bằng. Sẽ không còn các khái niệm như “lợi thế lao động giá rẻ”, không còn sự phân chia lợi ích theo cách “một phần nhỏ tiền công được trả cho người lao động và phần giá trị tài chính lớn nhất được hưởng bởi các cổ đông” và không tiếp diễn hiện tượng “người dùng cuối tách biệt với hệ thống, không có lòng trung thành hay quan tâm tới các tổ chức mà họ mua sản phẩm/dịch vụ từ đó”.

Các mô hình kinh tế nền tảng hiện nay như UBER, AirBnB .v.v. có 3 bên tham gia chính là người cung cấp giá trị thông qua công ty cung cấp nền tảng công nghệ để bán dịch vụ cho người tiêu dùng giá trị. Mô hình này cho thấy các động lực khuyến khích kinh tế của các bên trong cùng một hệ thống là hoàn toàn khác nhau và chúng không hướng đến giá trị chung của một tổng thể. Đối với công ty cung cấp nền tảng công nghệ cái mà họ quan tâm nhất chính là lợi nhuận kinh doanh vì đây là giá trị mà các cổ đông sẽ được hưởng, họ chỉ quan tâm đến chất lượng dịch vụ và các điều kiện của người lao động trong phạm vi ảnh hưởng đến lợi nhuận của tổ chức. Người tiêu dùng sẽ không quan tâm tới hệ thống nền tảng công nghệ tăng hay giảm giá trị điều họ quan tâm là nhu cầu của mình có được đáp ứng tốt nhất thông qua nền tảng công nghệ đó hay không và cuối cùng, người cung cấp giá trị chỉ quan tâm đến số tiền mà họ có thể nhận được từ công việc của mình.

Một doanh nghiệp được xác định bởi mô hình kinh doanh của chính nó, chúng tổng hợp và sử dụng một số tài nguyên đầu vào để tạo nên một số đầu ra của giá trị, sau đó phân phối lại các giá trị này cho các thành viên trong tổ chức. Mô hình của blockchain đã tự động hóa hoàn toàn hoạt động của các thành phần tham gia cũng như cơ chế quản lý nền tảng của một mạng lưới nhờ vào các dòng code được lập trình sẵn trong các hợp đồng thông minh. Chúng cho phép khả năng triển khai các hình thức cấu trúc tổ chức mới mà trước đây không khả thi để thực hiện. Nhờ vào các hợp đồng thông minh mà mô hình doanh nghiệp truyền thống có thể được chuyển đổi sang mô hình có khả năng tích hợp tự động (the automated Plug-and-Play model) để bất kỳ ai có năng lực cung cấp dịch vụ đều có thể tự do tham gia tích hợp vào hệ thống và chuyển phát trực tiếp dịch vụ bằng các hợp đồng thông minh do họ viết ra, sau đó họ sẽ nhận lại các token do những người dùng chi trả khi người dùng kích hoạt các hợp đồng thông minh đó để sử dụng các dịch vụ mà nó cung cấp.

Trong tương lai, rất có thể chúng ta sẽ không có ai là ông chủ hay nhân viên, chúng ta có thể cùng lúc làm việc cho bất cứ hệ thống hay mạng lưới nào trên thế giới nếu chúng ta có ý tưởng hay khả năng đóng góp giá trị vào chúng bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu. Chỉ cần chúng ta kiểm nghiệm các ý tưởng của mình bằng mã code, công bố nó ra ngoài và được cộng đồng của mạng lưới chấp nhận thì sau đó chúng ta sẽ nhận được một phần thưởng (bounty) bù lại cho các đóng góp của mình. Khi mọi thứ là mã nguồn mở, thì bất cứ ai cũng có thể kết nối, có thể xem được và thêm vào các giá trị mới cho hệ thống. Theo cách này chúng ta sẽ thấy một tổ chức blockchain sẽ ngày càng phát triển một cách linh động và mạnh mẽ hơn trong việc được thiết kế để tích lũy các giá trị cho cộng đồng người dùng. Nhờ vào blockchain chúng ta đang thực sự chuyển đổi từ các dạng tổ chức kinh tế truyền thống sang hình thái của các nền tảng có công việc do người dùng tạo ra (user-generated work) giống như các mạng xã hội có nội dung do người dùng sáng tạo (user-generated content) như Facebook hay Youtube. Và các công việc trong các hệ thống blockchain sẽ được trả công bằng đồng token của mạng lưới.

Token Incentives (Cơ Chế Khuyến Khích Kinh Tế Của Token)

Cơ chế khuyến khích là trái tim trong việc thiết kế các mô hình kinh tế và mạng lưới blockchain nói chung. Với Token Incentive chúng ta có thể thiết kế và điều chỉnh các kết quả xã hội và các kết quả kinh tế trong thế giới thực bằng cách triển khai các giao thức hoàn toàn mới mẻ trên Internet thông qua blockchain. Vấn đề tạo ra các cơ chế khuyến khích có khả năng gắn kết được lợi ích của cá nhân với lợi ích chung của hệ sinh thái tổng quan luôn đòi hỏi khả năng không nên phụ thuộc vào đức tính cá nhân của bất kỳ con người nào trong hệ thống mà thay vào đó các kết quả tối ưu và ổn định lâu dài phải được dẫn đường bởi các thiết kế cấu trúc khuyến khích có hệ thống và tự động thực thi dựa vào các quy tắc định sẵn bằng mã code.

Cấu trúc của cơ chế khuyến khích trong hệ thống rất quan trọng đối với việc sẽ phát triển mạnh mẽ hay thất bại của hệ thống kinh tế nói chung. Mọi sai lệch trong cấu trúc thiết kế của cơ chế khuyến khích theo thời gian sẽ biến thành một rối loạn chức năng của mạng lưới. Để cho phép mọi người làm việc cùng nhau trong một tổ chức được hình thành bởi sự kết hợp của các bên tham gia (combined enterprise) đòi hỏi phải có sự căn chỉnh hợp lý về các khuyến khích lẫn hình phạt kinh tế cho mọi hành vi được thực hiện trong hệ thống. Trong một mạng blockchain, Token Incentives sẽ tạo ra tính tự trị (autonomous) cho tổ chức mà không cần có một thực thể quyền lực tập trung nào điều khiển nó. Token Incentives khiến các bên trao đổi các giá trị ngang hàng với nhau sao cho vừa đạt được lợi ích cá nhân của mỗi bên vừa đóng góp vào hiệu quả hoạt động của mạng lưới chung.

Thiết Kế Cơ Chế (Mechanism Design)

Trước đây kinh tế và công nghệ thông tin là hai địa hạt khá tách biệt nhau, nhưng sự xuất hiện của nền kinh tế token sẽ cho phép chúng ta hợp nhất cả hai lĩnh vực này lại thành một, nền kinh tế sẽ trở có tính kỹ thuật hóa hơn nhờ vào token và blockchain. Một khi chúng ta chuyển các mô hình kinh doanh và mô hình kinh tế truyền thống sang một hình thái có tính kỹ thuật và tính hình thức hơn, thì chúng ta có thể bắt đầu đưa vào các công cụ toán học và phân tích đầy sức mạnh để gia tăng lợi ích cho những gì mà chúng ta đang làm theo cách thức cũ trước đây. Một trong những dẫn chứng rõ ràng là việc áp dụng các mô hình của Lý Thuyết Trò Chơi (Game Theory) để thiết kế nên những hệ thống ưu đãi khuyến khích này.

Lý Thuyết Trò Chơi (Game Theory) là nghiên cứu về những tương tác chiến lược giữa các tác nhân tham gia và những động lực của sự hợp tác cũng như sự cạnh tranh xảy ra từ những tương tác đó. Một phần mở rộng gần đây của việc này là Thiết Kế Cơ Chế. Thiết Kế Cơ Chế (Mechanism Design) là một lĩnh vực trong kinh tế học và lý thuyết trò chơi, chúng sử dụng một cách tiếp cận có tính kỹ thuật (engineering approach) để thiết kế nên các khuyến khích kinh tế hướng tới các mục tiêu mong muốn trong các thiết lập chiến lược, nơi mà người tham gia phải hành động hợp lý. Bởi vì quá trình Thiết Kế Cơ Chế được bắt đầu bằng cách đưa ra các kết quả mong muốn đạt được trước và từ đó đề các bước hợp lý trong thiết kế ưu đãi để nhằm khuyến khích việc đạt được những mục tiêu cuối cùng này. Quá trình Thiết Kế Cơ Chế còn được gọi là Lý Thuyết Trò Chơi đảo ngược.

Thiết Kế Cơ Chế (Mechanism Design) như là một lý thuyết kinh tế tìm cách xác định các tình huống mà trong đó một chiến lược hay một cơ chế cụ thể sẽ hoạt động hiệu quả – so sánh với các tình huống mà trong đó một chiến lược tương tự lại không hoạt động tốt – lý thuyết Thiết Kế Cơ Chế (Mechanism Design) cho phép các nhà kinh tế học phân tích và so sánh cách thức mà các thị trường hoặc các tổ chức hướng đến những kết quả nhất định bởi cấu trúc khuyến khích vốn có của chúng. Thiết Kế Cơ Chế giúp chúng ta hướng đến một trạng thái cân bằng mong muốn của hệ thống, trước tiên chúng ta nghĩa về các kết quả hay mục tiêu mà chúng ta muốn thấy từ hệ thống, sau đó chúng ta sẽ xây dựng bộ quy tắc có khả năng có triển vọng sẽ dẫn đến các kết quả tối ưu đó. Hệ thống pháp luật là một loại cơ chế vì chúng là một phương pháp để định hình hành vi của con người, tất nhiên nó có tính tập trung hóa trong thiết kế của mình nhưng với các mạng lưới token chúng ta đang loại bỏ điều này và thay vào đó là một cơ chế trao đổi giá trị ngang hàng, có khả năng tự điều chỉnh thông qua các vòng phản hồi thông tin trực tiếp từ hệ thống.

Tạo ra kết quả tối ưu cho toàn hệ thống nghĩa là liên kết hiệu quả cái giá phải trả của cá nhân đối với những kết quả của toàn bộ hệ thống và do đó làm giảm các ngoại ứng tiêu cực. Mỗi hành động mà một tác nhân thực hiện đều có ảnh hưởng đến mạng lưới và chúng ta phải đặt ra câu hỏi về những tác động của hành động đó là gì và ai là người chịu tổn thất, ai là người thu được lợi ích từ hành động đó. Khi một người kiếm được lợi ích từ một hành động cụ thể nhưng chi phí lại được chịu bởi những người khác thì rõ ràng đây là một ngoại ứng tiêu cực, ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác kinh tế là một ví dụ điển hình hoặc sự bất bình đẳng quá mức do tham nhũng và độc tài cũng như vậy.

Xây dựng một hệ thống hợp tác trong bối cảnh như vậy đòi hỏi cho phép khả năng tương tác liên tục và tức thời với các yếu tố phải có trong hệ thống như định danh cá nhân, lịch sử hành vi, danh sách những tác nhân danh tiếng đã có uy tín lớn, có thể tìm kiếm và có thể truy cập, các cơ chế phản hồi (feedback mechanism), tính minh bạch .v.v. các trang web như TripAdvisor, Foody .v.v. hay hệ thống phản hồi được sử dụng để xếp hạng nội dung trên các mạng xã hội như Facebook, Youtube .v.v. hoặc các mô hình kinh tế nền tảng như Uber, AirBnB .v.v. là những ví dụ điển hình cho thấy cơ chế phản hồi có ảnh hưởng tích cực như thế nào trong việc giúp người dùng xác định các sản phầm / dịch vụ chất lượng và tác động đáng kể đến cách mà mọi người hành xử trong hệ thống. Tuy nhiên, các hệ thống phản hồi kể trên vẫn còn có khả năng bị thao túng hay chi phối về chất lượng hay sự thật của các đánh giá, điều mà blockchain cùng với datafication có thể loại bỏ những sai lệch như vậy ra khỏi các hệ thống phản hồi hiện tại với một quy trình trình phản hồi trực tiếp ngang hàng được thiết kế để chọn ra các phản hồi chất lượng.

Vai Trò Của Hợp Đồng Thông Minh Và Oracle Trong Các Trao Đổi Giá Trị

Một trong những tiến bộ cách mạng của công nghệ blockchain chính là hợp đồng thông minh. Hợp đồng thông minh là các mã code máy tính được lưu trữ bên trong một blockchain để mã hóa (encode) cho các điều khoản thỏa thuận của hợp đồng. Hợp đồng thông minh là hợp đồng thực hiện tự động các điều khoản của thỏa thuận hoặc các hoạt động được viết trực tiếp thành các dòng mã code, các dòng mã code này được lưu trữ và thực thi trên các máy tính full-node của mạng blockchain.

Về bản chất thực tế, các nền tảng thể chế và kinh tế của xã hội được hình thành từ vô số các thỏa thuận hợp đồng khác nhau. Mỗi một sản phẩm tiêu dùng mà chúng ta đang có, chẳng hạn như những ổ bánh mì ở một cửa hàng được bán tới tay người dùng cuối đã phải trải qua sự kích hoạt của một loạt các thỏa thuận hợp đồng giữa nhiều bên khác nhau, trong suốt quá trình từ sản xuất cho đến lúc bán ra thành phẩm như hợp đồng giữa các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, hợp đồng lao động giữa chủ sở hữu và nhân viên, hợp đồng thuê mướn cơ sở vật chất .v.v. Sự vận hành chung của nền kinh tế là thông qua một loạt các thỏa thuận hợp đồng phức tạp và với hợp đồng thông minh, nó sẽ giúp chúng ta loại bỏ các bên trung gian thứ ba can thiệp vào việc thực thi hay phán quyết cho những thỏa thuận này nhờ vào các mã code máy tính được dùng để lập trình cho các điều khoản và chúng có khả năng tự động thực thi mà không có bất cứ sự tùy tiện nào. Hợp đồng thông minh phi tập trung ở chỗ chúng không tồn tại trên một máy chủ tập trung duy nhất mà chúng được phân tán và tự động thực thi trên các máy tính full-node của mạng blockchain.

Một hợp đồng thông minh thực sự chỉ là một tài khoản trên blockchain được kiểm soát bằng các mã code thay vì bằng một private-key như một tài khoản ví blockchain thông thường. Các hợp đồng thông minh này có thể được kích hoạt bởi một tài khoản ví blockchain hoặc một hợp đồng thông minh khác. Mã code sẽ quy định cách thức xử lý sẽ xảy ra mà không một cá nhân nào có quyền thay đổi, không một tổ chức hay chính phủ nào có quyền kiểm duyệt hay can thiệp vào. Ở khía cạnh này, “Code is law – Mã code là luật định” bởi vì nó sẽ thực thi bất kể vấn đề gì và điều này đã tồn tại từ lâu trong các hệ thống công nghệ thông tin mà chúng ta đang có như các hệ thống thương mại điện tử, các hệ thống bán hàng tự động .v.v.

Một sự kết hợp giữa hợp đồng thông minh với các tài sản mã hóa dựa vào công nghệ blockchain đã cho chúng ta một ý tưởng về tài sản thông minh, là một dạng tài sản có quyền sở hữu được kiểm soát thông qua các điều khoản hợp đồng được mã hóa trên blockchain. Ví dụ như hợp đồng thông minh sẽ tự động chuyển quyền sở hữu một căn nhà từ tên một công ty bất động sản sang tên của người mua khi người mua đã thanh toán hết tất cả các khoản trả góp và lãi vay cho ngân hàng vào tháng cuối cùng của năm thứ 3. Đặc điểm của tài sản thông minh là nhằm tạo ra khả năng kiểm soát quyền sở hữu và quyền truy cập vào một tài sản bằng cách đăng ký nó như một tài sản kỹ thuật số trên một blockchain và kết nối nó với một hợp đồng thông minh, quá trình này còn gọi là tokenizing – token hóa tài sản.

Giống như các thuật toán, hợp đồng thông minh yêu cầu các giá trị đầu vào và chỉ tự động thực thi nếu đáp ứng được một số điều kiện đã được xác định trước. Vì vậy, hoạt động của hợp đồng thông minh nói chung chỉ có thể vận hành tương ứng với chất lượng của dữ liệu được nhập vào hệ thống. Nếu dữ liệu đầu vào sai thì kết quả sai sẽ được trả ra. Tuy nhiên, Blockchain không thể truy cập dữ liệu bên ngoài mạng lưới của nó, nên cần có một số nguồn cấp dữ liệu từ bên ngoài đáng tin cậy làm đầu vào chất lượng cho hệ thống blockchain – và một nguồn cấp dữ liệu bên ngoài như vậy được gọi là một Oracle (nhà hiền triết).

Một Oracle đơn giản là một nguồn cấp dữ liệu, được cung cấp bởi một dịch vụ bên ngoài và được thiết kế để sử dụng kích hoạt thực thi cho các hợp đồng thông minh trong blockchain khi các điều kiện xác định trước được đáp ứng đúng, chẳng hạn như điều kiện “thanh toán hết các khoản trả góp và lãi vay cho ngân hàng” cho đến các loại điều kiện về các sự kiện theo thời gian thực như thời tiết, số lượng hàng hóa trong kho, sự biến động giá cả cổ phiếu .v.v. Oracle là dịch vụ của bên thứ ba cung cấp cho một blockchain thông thường, nó không nằm trong bộ quy tắc đồng thuận của blockchain đó nên nó cần phải đáp ứng được mức độ tin cậy cao và chất lượng của các dữ liệu mà nó cung cấp, chúng ta đã có các dịch vụ cung cấp Oracle nổi tiếng là những dự án blockchain Oracle như ChainLink, Aeternity .v.v.

Trong thực tế, hiện nay các Oracle phải liên kết với các tổ chức tập trung khổng lồ có sở hữu nguồn dữ liệu đáng tin cậy như một Oracle cá cược phải kết hợp với các hãng cá cược lớn trên thế giới về thông tin của các tỷ số, một Oracle cổ phiếu phải kết hợp với Bloomberg về thông tin cập nhật giá cổ phiếu .v.v. Tuy nhiên trong tương lai, thông qua Datafication (phân tích dữ liệu lớn) và mạng lưới IoT (Internet vạn vật) việc này có thể được tự động hóa. Các blockchain sẽ sử dụng những Oracle tự động lấy dữ liệu từ vô số nguồn khác nhau và thực hiện các phân tích phức tạp để tìm ra mối tương quan chéo giữa các nguồn dữ liệu đó nhằm rút ra một thông tin hoặc số liệu chính xác để phản hồi cho các hợp đồng thông minh biết được rằng liệu các thông tin hoặc số liệu đó có phù hợp với các điều khoản đã được lập trình trước trong hợp đồng thông minh hay không.

Những lợi thế của hợp đồng thông minh trong trao đổi giá trị là rất nhiều như nhờ vào tính tự động thực thi mà chúng giúp các bên giao dịch tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí từ đó làm cho việc giao dịch trở nên hiệu quả hơn, đặc biệt là loại bỏ hoàn toàn sự thao thúng hay can thiệp quyền lực của một bên thứ ba vào giao dịch. Hợp đồng thông minh là chắc chắn bởi vì các bên tham gia của giao dịch sẽ biết chính xác điều gì sẽ xảy ra và khi nào, khiến cho giao dịch trở nên hoàn toàn ngang hàng. Nhưng hợp đồng thông minh cũng có một số hạn chế tồn tại như thiếu sự linh hoạt trong một số tính huống không lường trước được nhất là trong các tình huống cần sử dụng đến một dịch vụ hay một phương tiện khẩn cấp nào đó để cứu sống mạng người nhưng người cứu hộ lại không có quyền truy cập để sử dụng, việc này rõ ràng là một sự cứng nhắc bất lợi. Cho nên ở một mức độ nào đó, sự giám sát can thiệp của con người là cần thiết nhưng hiện nay chúng ta vẫn chưa tìm ra một cách thức tối ưu hóa cho việc phối hợp linh hoạt giữa tính tự động của các hợp đồng thông minh và khả năng phán đoán các tính huống không lường trước được để đưa ra các phản ứng phù hợp của con người.

5/5 - (1 bình chọn)

Latest stories

- Advertisement - spot_img

You might also like...